Năm nay, bà con nông dân Kinh Môn đón Tết với niềm vui "kép" khi gạo nếp cái hoa vàng và cây hành Kinh Môn được mùa, được giá.
Hiệu quả kinh tế cao
Không biết từ bao giờ cây hành bám dễ tại Kinh Môn mà đến nay cây hành không chỉ "chật hẹp ở một địa phương" mà vươn xa tới các tỉnh khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, các tỉnh phía Nam thậm chí còn xuất khẩu sang các nước Inđônêxia, Hàn Quốc. Nếu như trước đây, người dân Kinh Môn chỉ trồng cây hành với diện tích nhỏ, thu nhập chủ yếu từ cấy 2 vụ lúa, thì nay người dân Kinh Môn coi vụ đông là vụ sản xuất chính, trong đó xác định cây hành là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần lúa. Hiện nay, tại các xã Hiệp Hoà, Thượng Quận, Long Xuyên, Hiệp An, Lạc Long, Thăng Long, Quang Trung, Bạch Đằng... hầu như hộ nông dân nào cũng trồng hành, hộ nhiều hơn 1 mẫu, hộ ít nhất cũng 1 sào. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cửa hàng thu mua hành tỏi để cung cấp cho các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Vụ đông này, toàn huyện trồng gần 2.500 ha hành, chiếm hơn 80% diện tích trồng cây vụ đông. Giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/ha. Hiện nay, trên các cánh đồng huyện Kinh Môn, nhiều ruộng hành đã được bà con nông dân thu hoạch, các thương lái từ nhiều nơi đã đổ về thu mua hành củ. Bà Nguyễn Thị Duộm, thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên gắn bó với cây hành cách đây 30 năm cho biết: Vụ đông năm nay thời tiết khô hanh kéo dài, người trồng hành tuy vất vả hơn trong việc chăm sóc, song bù lại, cây hành sinh trưởng và phát triển đều, ít bị sâu bệnh, hành xuống củ đẹp và cho năng suất 5-6 tạ/sào. Năm nay, hành còn xanh đã có nhiều thương lái đến đặt mua tại ruộng. Với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg, mỗi sào hành tươi nông dân chúng tôi thu lãi được 4-5 triệu đồng/sào. Nếu bán hành khô vào thời điểm được giá, mỗi sào hành có thể lãi từ 15 - 20 triệu đồng.
Vẫn còn một nỗi lo
Theo đánh giá của người tiêu dùng, hành Kinh Môn có chất lượng cao hơn một số giống hành nhập khẩu và trồng ở nơi khác. Song, do chưa có thương hiệu, bà con nông dân trồng hành thường bị các thương lái ép giá, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Ngay từ đầu vụ, cây hành được mùa được giá, nhưng tâm lý của nhiều hộ vẫn còn những lo lắng bởi chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua sản phẩm, chưa có nhà máy chế biến và tiêu thụ hành củ tại địa phương.
Câu chuyện xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này từ lâu đã được sự quan tâm của người trồng hành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Năm 2009, cây hành trồng tại xã Hiệp Hòa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao chứng nhận thương hiệu tập thể. Song từ đó đến nay, thương hiệu hành Hiệp Hòa không hề được sử dụng trong bất cứ hoạt động mua, bán nào.
Tại Kinh Môn, gạo nếp cái hoa vàng được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2011. Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Nếu như năm 2009, gạo nếp cái hoa vàng có giá khoảng 25 nghìn đồng/kg thì đến nay có giá 32 nghìn đồng/kg, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Theo ông Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và thương mại Nếp cái hoa vàng "Đó là sức mạnh của thương hiệu".
Năm 2010-2011, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã thực hiện đề tài nghiên cứu tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hành hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP tại xã Thăng Long. Đề tài triển khai đã giúp bà con nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật, bón phân đủ hàm lượng, sử dụng thuốc bảo vệ trong danh mục cho phép, thu gom tất cả bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định, thu hoạch và bảo quan tốt. Tuy nhiên, đề tài mới dừng ở quy trình kỹ thuật, chăm sóc, bảo quản, vấn đề tiêu thụ hành sau khi thu hoạch vẫn còn là nỗi lo của nhiều bà con nông dân.
Để có được "thương hiệu" cho cây hành Kinh Môn, người trồng hành cần phải tuân thủ một quy trình khép kín từ khâu chọn cây giống, cách chăm sóc đến công nghệ chế biến, quản lý chất lượng và quản lý sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà khoa học và các doanh nghiệp để cây hành khẳng định chỗ đứng trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
NGUYỄN THỊ THUẬN