Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Vì thế, chơi tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, người chơi cần hết sức thận trọng, tránh tiền mất, tật mang.
Chiều cuối tuần, tự nhiên một người bạn lâu ngày không gặp điện hẹn đến nhà chơi. Linh tính mách bảo chắc phải có chuyện gì quan trọng bạn mới hẹn gặp bởi tôi biết tính bạn nếu không có việc gấp chắc không đến làm phiền. Ngồi chưa ấm chỗ, bạn đã than thở vừa "nướng" hết hơn trăm triệu tiết kiệm cho con học đại học vào sàn tiền ảo. Tôi tròn mắt ngạc nhiên vì biết tính bạn rất cẩn thận, chỉn chu, ít khi mạo hiểm, nhất là những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Tuy nhiên, qua lời kể của bạn thì tôi có thể hiểu tại sao bạn lại lao vào sàn tiền ảo như con thiêu thân. Từ đầu năm 2020, nghe lời rủ rê của một số người, bạn tôi đổ tiền vào chơi tiền ảo trên sàn giao dịch Coolcat với lời hứa lợi nhuận cao, nếu thua vẫn được bảo hiểm 100%, không lo mất vốn. Theo lời bạn kể, người chơi chỉ cần tải phầm mềm Coolcat, đăng nhập bằng số điện thoại cá nhân, được cấp một mã số riêng, bấm dự đoán giá tiền mã hóa, giá vàng lên hoặc xuống. Nếu đoán thắng thì nhận được 73% tiền thắng, nếu thua 6 lần liên tiếp phải dừng lại, báo về để bảo hiểm đền 100%. Với sự bảo đảm đó, nhiều người đã bỏ ra từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng để nạp tiền vào sàn giao dịch này. Và cuối cùng, cũng như nhiều người khác, bạn tôi đã mất tất cả vốn liếng dành dụm được cho lời mời chào đầy hấp dẫn kia khi sàn Coolcat đột ngột biến mất.
Câu chuyện của bạn tôi không còn xa lạ đối với nhiều người vì trong vài năm qua đã có hàng nghìn người bị cuốn vào cơn lốc tiền ảo. Đúng như tên gọi của nó, nhiều người trong số họ đã mất cả cơ nghiệp, thậm chí gánh nợ vì loại tiền chẳng ai nhìn thấy bao giờ. Hàng trăm sàn tiền ảo hoạt động theo kiểu huy động vốn đa cấp, lấy tiền người mua sau trả cho người mua trước với tỷ lệ lãi suất rất cao đã thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Sau khi huy động được số vốn lớn, nhiều sàn đột nhiên biến mất không dấu vết, để lại sự hoang mang, lo lắng và một khoản nợ lớn cho các nhà đầu tư. Tại Việt Nam có nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với sự tham gia đầu tư của hàng nghìn người, số tiền giao dịch hằng ngày lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Các sàn giao dịch thường hoạt động theo hình thức đa cấp trên mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, lời hứa lợi nhuận cao để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều hoạt động quảng bá cho tiền ảo được tổ chức với sự tham gia của một số nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi càng cuốn hút và làm các nhà đầu tư tin tưởng. Khi có được số lượng nhà đầu tư đông đảo, nhiều sàn lập tức đóng cửa, đánh sập hệ thống và bỏ trốn với toàn bộ số tiền huy động được. Lúc này, các nhà đầu tư mới ngã ngửa, mất toàn bộ vốn liếng nhưng cũng chẳng biết tìm ai để đòi. Thực tế, đã có nhiều sàn đầu tư tiền ảo bị cơ quan công an điều tra, kết luận là lừa đảo, hoạt động không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các sàn tiền ảo như một con bạch tuộc, chặt vòi này lại mọc vòi khác với các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi hơn, dùng lợi nhuận cao để thu hút nên nhiều nhà đầu tư vẫn cứ “dính” bẫy lừa đảo mà không có cách nào thoát ra được.
Việt Nam hiện nay chưa công nhận tiền ảo, chưa coi tiền ảo là tài sản hoặc hàng hóa. Việc lưu thông tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Vì thế, chơi tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, người chơi cần hết sức thận trọng, tránh tiền mất, tật mang.
VỊ THỦY