<b>Hải Dương đang xây dựng Đề án “Tích tụ ruộng đất (TTRĐ) để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025”. </b><br>
Ngày 15.9.2017, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo đề án.
Dự thảo đề án đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư TTRĐ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn.
Việc TTRĐ là rất cần thiết, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Những năm qua, việc TTRĐ quy mô nhỏ và vừa đã được thực hiện ở Hải Dương và nhiều địa phương khác mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc TTRĐ ở quy mô lớn cần thận trọng, tránh nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Chủ trương TTRĐ quy mô lớn là đúng song bước đi, cách thức thực hiện cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Tôi cho rằng cần làm thí điểm TTRĐ quy mô lớn.
Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm sẽ tích tụ từ 100 ha đất nông nghiệp trở lên, quy mô tích tụ ít nhất 30 ha/vùng. Ngoài ra, điều kiện để nhận được hỗ trợ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải thuê đất ít nhất 20 năm; trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải cam kết sản xuất nông nghiệp trong 20 năm.
Trong những năm qua, TTRĐ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi ở Hải Dương chủ yếu có quy mô dưới 10 ha. Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta nói riêng và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng nói chung thì quy mô tích tụ ít nhất 30 ha/vùng là lớn. Cần diện tích đất đai lớn với thời gian thuê, cam kết sản xuất nông nghiệp khá dài sẽ gây ra nhiều khó khăn khi thực hiện. Nhìn chung, dù có thể sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi kém hiệu quả song không ít nông dân vẫn muốn giữ đất. Nhiều người đi làm ăn xa, phải bỏ hoang ruộng đất song cũng không muốn cho thuê đất. Do đó, nếu không xử lý tốt vấn đề này có thể gây ra những băn khoăn, thậm chí là bức xúc trong quá trình triển khai.
TTRĐ quy mô lớn là vấn đề phức tạp, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương với UBND tỉnh Thái Bình ngày 18.4.2017, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết cơ chế TTRĐ đang trong quá trình thí điểm, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nên quá trình thực hiện cần thận trọng. Mô hình TTRĐ ở tỉnh Thái Bình cho thấy nhiều nơi chưa bảo đảm đầy đủ các thủ tục về đất đai, giá thuê đất khác nhau giữa các địa phương…
Các địa phương đã và đang phải chứng kiến những bài học đắt giá từ việc thu hồi đất nông nghiệp với quy mô lớn để xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Quá trình thu hồi đất còn nhiều sai phạm làm tình hình phức tạp. Nhiều khu, cụm công nghiệp sau khi thu hồi đất xong thì bỏ hoang, không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư hoặc đầu tư kém hiệu quả khiến người dân khiếu kiện kéo dài. Không ít doanh nghiệp năng lực tài chính kém nên chỉ hứa hão, sau khi có đất thì không sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận người dân mất đất song không tìm kiếm được việc làm, đời sống gặp khó khăn, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Còn có tình trạng người dân TTRĐ để sản xuất nông nghiệp chỉ được một thời gian, sau đó chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng để trở thành đất phi nông nghiệp. Nếu một diện tích lớn đất nông nghiệp sau khi tích tụ rồi mà doanh nghiệp lại bỏ hoang, nông dân không còn đất sản xuất và không có việc làm thì có thể tạo thành những “điểm nóng” mới.
Thí điểm TTRĐ quy mô lớn để tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực sẽ góp phần thực hiện chủ trương này hiệu quả, bền vững.
NINH TUÂN