Cần thêm động lực

12/11/2013 05:42

Ban Văn nghệ thiếu nhi giải thể sau 10 năm thành lập là tiếng chuông báo động về thực trạng đội ngũ sáng tác tác phẩm dành cho thiếu nhi.




Để có được tình yêu văn học, các em cần được bồi bổ tâm hồn bằng
những tác phẩm văn chương phù hợp. Ảnh: Thành Chung


Thưa vắng

Ban Văn nghệ thiếu nhi (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) thành lập từ năm 2003, là một trong hai ban thành lập muộn nhất của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Trong 10 năm qua, Ban Văn nghệ thiếu nhi chỉ có 4 thành viên và đều là các tác giả sáng tác văn học. Đó cũng là những cây bút chủ lực viết cho thiếu nhi của tỉnh nhà và đạt một số thành tựu trong lĩnh vực này. Tác giả Nguyễn Siêu Việt đã xuất bản 6 tập thơ; tác giả Nguyễn Thị Việt Nga xuất bản 7 tập truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài; tác giả Hải Vân xuất bản 2 tập truyện ngắn; tác giả Huệ Văn xuất bản 2 tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, các tác giả đều thường xuyên có các sáng tác đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương, in chung trong các tập sách dành cho thiếu nhi do các nhà xuất bản phát hành. Tác giả Hải Vân đã giành giải nhì cuộc vận động viết cho thiếu nhi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2006. Các tác giả Hải Vân, Nguyễn Siêu Việt, Nguyễn Thị Việt Nga, Huệ Văn đều đã nhận Giải thưởng Côn Sơn với các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Chất lượng sáng tác của các tác phẩm dành cho thiếu nhi của Hải Dương được đánh giá cao như vậy, số lượng tác phẩm của mỗi tác giả đều không phải là ít, nhưng do số lượng các tác giả sáng tác cho thiếu nhi quá hiếm nên về tổng thể các tác phẩm thuộc lĩnh vực này xuất hiện còn thưa thớt.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nguyên Trưởng ban Văn nghệ thiếu nhi cho biết, trong 10 năm qua, ban đã cố gắng vận động các tác giả sáng tác cho thiếu nhi nhưng không thu được kết quả khả quan. Một số tác giả thuộc các ban khác cũng sáng tác cho thiếu nhi nhưng chủ yếu là sáng tác nhạc, ca khúc chứ ít có tác phẩm văn học. Vì thế, suốt thời gian qua, Ban Văn nghệ thiếu nhi không kết nạp thêm được thành viên nào. Rất ít tác phẩm gửi tới tạp chí Văn nghệ Hải Dương là tác phẩm dành cho thiếu nhi. Đây là một thiếu sót rất đáng quan tâm vì để có được tình yêu với văn học, hiểu biết về văn học, con người cần được bồi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ không chỉ qua sách giáo khoa, qua những bài giảng trên lớp học mà còn thông qua những câu chuyện, bài thơ dành riêng cho lứa tuổi này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga, các tác giả thuộc Ban Văn nghệ thiếu nhi đều rất tâm huyết sáng tác. Nhưng để khơi nguồn tâm huyết ấy ở nhiều tác giả khác là việc rất khó khăn do thực trạng chung là văn học thiếu nhi chưa được quan tâm trên diện rộng. Ngoài các báo, tạp chí dành cho thiếu nhi như: Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong, Khăn quàng đỏ..., các báo, tạp chí khác rất ít sử dụng các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Những cuộc thi dành cho văn học thiếu nhi cũng rất hiếm hoi so với những cuộc thi sáng tác về các đề tài dành cho người lớn. Ít “đất dụng võ” nên các tác giả không mặn mà với văn học thiếu nhi. Một nguyên nhân “tế nhị” nữa khiến mảng sáng tác cho thiếu nhi không được ưa thích là do các tác giả chuyên sáng tác cho thiếu nhi nhiều khi không được đánh giá cao. Tác giả Nguyễn Siêu Việt, một tác giả hiếm hoi chuyên sáng tác thơ cho trẻ nhỏ, tâm sự đã nhiều lần ông trăn trở với việc có tiếp tục sáng tác hay không vì những tác phẩm của ông bị nhiều đồng nghiệp cho là viết về những thứ vụn vặt, không nên đưa vào thi ca. Động lực giúp ông vẫn cầm bút là tình yêu đối với văn học, với lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng nhất. Nhưng chỉ với động lực này thì mảng văn học thiếu nhi vẫn khó lòng phát triển.

Cần đất sống

Văn học thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức trong khi mảng văn học này hiện không có nhiều cây bút xuất sắc, không nhiều tác phẩm nổi trội. Đó là thực trạng chung không chỉ ở Hải Dương mà trong cả nước. Những năm trước đây, Hội Nhà văn Việt Nam có Ban Văn học thiếu nhi, sau đó cũng phải giải thể, các hội viên sang các ban khác sinh hoạt ghép do hoạt động không hiệu quả. Để văn học thiếu nhi phát triển, trước hết cần tạo điều kiện, “đất sống” cho các tác phẩm này bằng các chuyên mục văn học dành cho thiếu nhi trên các phương tiện truyền thông. Các cuộc thi sáng tác văn học cũng cần có những hạng mục giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi. Đó là những “liều thuốc” động viên tinh thần những người cầm bút viết cho thiếu nhi, để họ có thêm niềm vui, niềm yêu thích trong công việc của mình.

Về lâu dài, để văn học thiếu nhi phát triển, cần có các giải pháp giúp xây dựng niềm yêu thích đọc sách, đọc các tác phẩm văn học cho các em. Đây là việc làm quan trọng cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Đồng thời, để thiếu nhi yêu thích văn chương, các tác giả sáng tác cho thiếu nhi cũng phải nắm bắt được tâm lý lứa tuổi, sở thích, sự quan tâm của trẻ em ngày nay để sáng tác cho phù hợp. Phải kết hợp được nhiều sự quan tâm như vậy thì văn học thiếu nhi mới rộng đường phát triển, có nhiều tác phẩm thực sự hữu ích và thu hút độc giả nhỏ tuổi.

VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần thêm động lực