Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) được lấy ý kiến sâu rộng. Tôi nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Lê Đình Khanh
Tôi đồng tình với nguyên tắc đóng, hưởng trong chính sách BHXH mới đã trình Quốc hội. Nếu chúng ta cứ thực hiện đóng, hưởng như hiện nay (mức hưởng căn cứ vào 5 năm cuối trước khi về hưu) có thể sẽ vỡ quỹ bảo hiểm. Theo tôi, chia đều cho tất cả các năm đóng bảo hiểm mới hợp lý và cần chia thành các giai đoạn như trong dự thảo luật.
Về cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tôi đồng ý với phương án 1 theo đề nghị của Chính phủ. Đó là, đưa đối tượng này thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ một phần mức đóng BHXH. Tuy nhiên, không nên quy định cụ thể mức hỗ trợ tối đa không quá 10% ở trong luật như khoản 2, điều 87. Theo tôi, nên để Chính phủ quy định tùy điều kiện, khả năng ngân sách của từng thời kỳ, sẽ tránh được những vướng mắc không đáng có. Hiện nay, điều kiện ngân sách còn eo hẹp nên chúng ta không thể bao cấp rộng được. Hơn nữa thực trạng đội ngũ cán bộ này không phải là cán bộ hưởng lương mà hưởng phụ cấp, có sự thay đổi thường xuyên. Tôi cho rằng, nên đưa hưởng vào bảo hiểm tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước là hợp lý hơn.
Tại khoản 2, điều 16 tôi đề nghị sửa "hằng năm Kiểm toán Nhà nước thực kiểm toán" thay vì quy định định kỳ 3 năm 1 lần như hiện nay và những lúc cần sẽ tiến hành kiểm toán đột xuất. Vấn đề này tôi góp ý đến 2 lần, kể cả văn bản của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương gửi lên Trung ương nhưng chưa thấy tiếp thu.
Về cơ quan BHXH quy định tại điều 93, tôi cũng nhất trí với quy định "BHXH là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thực hiện chế độ chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thanh tra việc đóng, hưởng BHXH theo quy định của luật này". Ở đây tôi bổ sung thêm từ "hưởng" nữa, không chỉ thanh tra đóng bảo hiểm mà thanh tra cả việc hưởng bảo hiểm. Như vậy sẽ chặt chẽ hơn và hợp lý hơn.
Về kỹ thuật văn bản, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lại. Ví dụ, khoản 1, điều 17, hành vi bị cấm mà ghi riêng là cấm không đóng tiền BHXH là không chặt chẽ. Khoản 4, điều 19: "Trách nhiệm của người lao động nộp lại số bảo hiểm cho cơ quan BHXH khi được giải quyết chế độ tử tuất". Đã chết rồi thì người lao động không nộp được số bảo hiểm mà chỉ có thể là người nhà của họ.