Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cẩn thận khi giao dịch qua mạng, xác minh kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền.
Gần đây, công an các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhận nhiều đơn của người dân trình báo về việc bị các đối tượng mạo danh công ty tài chính gọi điện cho vay tiền rồi đưa vào bẫy, chiếm đoạt tài sản.
Mất tiền trong chớp mắt
Theo đơn trình báo của anh M.C.N (sinh năm 1997, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) gửi Công an quận Tân Phú, sáng 21.4, anh N. nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, giới thiệu cho vay vốn. Do có nhu cầu vay, anh N. đã liên lạc với người này qua tài khoản Zalo tên "SKYE" để vay 35 triệu đồng. Người này giới thiệu là công ty tài chính SkyCredid , đồng thời hướng dẫn thủ tục vay tiền.
Sau đó, đối tượng yêu cầu anh N. tải ứng dụng SkyCredid về điện thoại di động và phải chuyển 3,5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng chỉ định mang tên Huynh Van Tan để làm hồ sơ vay. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu anh N. 2 lần chuyển tổng cộng 44,5 triệu đồng để kiểm định khả năng tài chính nhưng sau đó anh N. không nhận được tiền vay.
Tờ rơi quảng cáo cho vay dán đầy cột điện cũng là một trong nhiều cái bẫy khiến người có nhu cầu về vốn lao đao
Tương tự, ngày 23.4, anh H.L.N.P (sinh năm 1998, ngụ phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) nhận được điện thoại giới thiệu cho vay vốn và hướng dẫn kết bạn qua Zalo tên "Simple A" để trao đổi thủ tục vay vốn. Đối tượng này gửi cho anh P. một đường link tải ứng dụng tên "Simple Loan", yêu cầu anh P. truy cập vào ứng dụng và nhập đầy đủ thông tin cá nhân.
Sau đó, tài khoản Zalo "Simple A" thông báo anh P. đủ điều kiện vay 35 triệu đồng và yêu cầu đóng phí 10% tổng số tiền vay để làm thủ tục. Anh P. đã chuyển 3,5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyen Thi Ngoc Han. Tuy nhiên, tài khoản Zalo trên lại thông báo anh P. không đủ điều kiện vay, yêu cầu đóng thêm tiền nên anh đã chuyển tiếp 42,5 triệu đồng. Dù vậy, đối tượng trên lại tiếp tục yêu cầu anh P. chuyển thêm tiền thì mới rút được số tiền vay và lấy lại các khoản phí đã nộp. Nghi ngờ bị lừa đảo, anh P. đã đến Công an phường Tân Sơn Nhì trình báo.
Cũng với chiêu lừa trên, ông N.Q.H (sinh năm 1979, ngụ quận 8) đã mất cảnh giác và bị lừa 150 triệu đồng vào ngày 22-5. Vụ việc đang được Công an huyện Bình Chánh củng cố hồ sơ, điều tra.
Cảnh giác thủ đoạn mới
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, cho biết dù các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần nhưng nhiều người vẫn bị các đối tượng dẫn dắt, dụ dỗ rồi mất nhiều tài sản. Khi cần vay tiền, người dân nên đến trụ sở các ngân hàng, công ty tài chính làm hợp đồng, có chữ ký, xác minh rõ ràng. "Không có công ty, ngân hàng nào cho vay qua mạng mà không cần xác minh danh tính người vay. Chưa kể, việc yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính lại càng sai. Đó chính là dấu hiệu của lừa đảo" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.
Đồng quan điểm, thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10, lưu ý: "Bên cạnh việc giả mạo cơ quan công quyền để dọa người dân, gần đây xuất hiện việc lợi dụng các công ty tài chính cho vay để đi lừa đảo. Cho nên, khi cần vay tiền, phải có hợp đồng để khi xảy ra phát sinh ngoài ý muốn thì được luật pháp bảo vệ. Ngoài ra, không được chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào với mục đích xác minh tài chính hay xác minh tài khoản; không được cung cấp mã OTP để giao dịch ngân hàng; không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người khác để tránh bị lừa đảo".
Còn theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), tình hình gian lận và lừa đảo vay tiêu dùng có xu hướng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi như đánh cắp giấy tờ tùy thân để làm giả hồ sơ vay; lừa lấy mã OTP để rút tiền; giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính. Các đối tượng lợi dụng người dân có nhu cầu vay nhưng thiếu hiểu biết về điều kiện, thủ tục vay để lừa họ vào bẫy.
"Khi quyết định vay tiêu dùng hoặc sử dụng các hình thức vay tín chấp như thẻ tín dụng, vay mua trả góp, cần tỉnh táo để chủ động bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo. Lựa chọn các công ty tài chính uy tín trên thị trường, kiểm tra kỹ thông tin điều khoản trong hợp đồng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay làm theo các yêu cầu giao dịch từ người lạ. Thủ tục vay tại các công ty tài chính tuy đơn giản hơn so với ngân hàng nhưng vẫn bảo đảm quy trình thẩm định và duyệt vay đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khách hàng khi đi vay cũng phải cung cấp đủ giấy tờ cá nhân cần thiết để hoàn tất hồ sơ vay" - ông Nguyễn Thành Phúc cho biết.
Theo Người lao động