Cần nâng cao chất lượng phân tích, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô

06/01/2020 15:40

Sáng 6.1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai kế hoạch công tác và tập huấn phương án điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2020 của ngành thống kê, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiệm vụ năm 2020 của Chính phủ rất nặng nề, là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2016-2020, để góp chung vào thành công trong triển khai Kế hoạch công tác của Chính phủ năm 2020, Thủ tướng yêu cầu ngành thống kê nâng cao chất lượng thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong thành quả của đất nước có sự đóng góp to lớn của ngành kế hoạch và đầu tư và đặc biệt là ngành thống kê.

"Tôi cũng đánh giá cao ngành thống kê luôn cung cấp kịp thời các thông tin thống kê phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành. Ngành thống kê cũng luôn cập nhật số liệu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, phương án điều chỉnh giá; đồng thời, phối hợp tốt giữa Tổng cục Thống kê với các cấp, các ngành trong kết nối, cung cấp thông tin giữa hệ thống thông tin thống kê Nhà nước…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành thống kê cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án đổi mới quy trình biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) để cung cấp số liệu có chất lượng cho các tỉnh, thành phố; thực hiện tốt các đề án lớn của ngành; trong đó, có đề án đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN  trong lĩnh vực thống kê.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thống kê: "Tiếp tục đổi mới phương pháp, chế độ thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với thực tế của Việt Nam, tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới, tiên tiến để thu hẹp sự thiếu hụt về thông tin thống kê phản ánh năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, của khu vực kinh tế chưa được quan sát, của những vấn đề mới nổi nhưng mang tính thời sự cao; hoàn thiện khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020".

Cùng với đó, ngành thông kê ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các cuộc điều tra năm 2020 nhằm nâng cao chất lượng thông tin, kết nối và khai thác tối đa, sử dụng dữ liệu hành chính, đặc biệt từ các ngành thuế, hải quan, ngân hàng trong công tác thống kê… và trong điều hành quản lý của ngành; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức toàn hệ thống, xây dựng rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, xây dựng đội ngũ công chức làm thống kê.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổng cục Thống kê cần tiếp tục mở rộng, tăng cường hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác với các Cơ quan Thống kê quốc gia có trình độ thống kê phát triển, các tổ chức Liên Hợp quốc, các đối tác phát triển và ASEAN để tiếp cận và áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới về thống kê, nâng cao chất lượng số liệu và vị thế của ngành thống kê trong khu vực và quốc tế.

Năm 2020, tình hình thế giới được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong nước vẫn tiềm ẩn không ít những thách thức và khó khăn ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, toàn ngành thống kê quyết tâm phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác với chủ đề "Xây dựng năng lực, ứng dụng phương pháp luận và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng phục vụ thông tin thống kê".

Bên cạnh đó, ngành thống kê cũng sẽ đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030, sửa đổi các nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược phù hợp với tình hình mới; tập trung thực hiện hai nội dung quan trọng của Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030, gồm: Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn thống kê nhà nước; Tự đánh giá chất lượng thống kê theo Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030.

"Ngành cũng sẽ chủ động nắm bắt thông tin kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; đặc biệt, những vấn đề nóng, có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đó, xây dựng các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp…", Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần nâng cao chất lượng phân tích, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô