Sau khoảng 5 năm triển khai, dù dự án đã được thực hiện trong toàn tỉnh nhưng tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh vẫn không cao.
Sàng lọc trước sinh, sơ sinh giúp phát hiện sớm các bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu men G6PD...
Nhằm góp phần giảm thiểu trẻ bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số, tỉnh ta đã triển khai thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tuy nhiên, sau khoảng 5 năm triển khai, dù dự án đã được thực hiện trong toàn tỉnh nhưng tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh vẫn không cao.
Nhiều vướng mắcChị Bùi Thị Bích ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) sinh con gái tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương tháng 8 vừa qua. Trước lúc sinh, chị Bích đã biết đến chương trình sàng lọc sơ sinh và cũng dự định đồng ý để cán bộ y tế lấy mẫu máu gót chân của con để gửi lên trung ương xét nghiệm. Tuy nhiên, sau khi sinh, không thấy các y, bác sĩ tại bệnh viện đề cập đến chuyện cho con chị đi lấy mẫu máu gót chân. Hỏi một y tá chị mới biết bệnh viện đã tạm dừng việc lấy mẫu máu gót chân do chưa có mẫu từ trung ương cấp về.
Gần đây khi bệnh viện đã có mẫu, một số gia đình lại ngần ngại tham gia chương trình vì sợ con bị đau. Bà Trần Thị Thanh ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chăm con gái vừa đẻ xong cho biết: "Tôi nghe mọi người xì xào về việc lấy máu gót chân trẻ để sàng lọc bệnh tật gì đó mà đứa trẻ khóc đến nặng cả tiếng. Nhà tôi cũng đang phân vân không biết có nên cho cháu tham gia sàng lọc hay không".
Vừa sinh con khoảng 2 tháng nay tại Trạm Y tế xã Cổ Dũng (Kim Thành), chị Nguyễn Thị Hồng cũng không quan tâm đến chương trình sàng lọc sơ sinh. Chị nghĩ rằng trong suốt quá trình mang thai đều đi khám, siêu âm và thai nhi khỏe mạnh, lúc sinh ra cháu hoàn toàn bình thường thì không cần thiết phải sàng lọc sơ sinh. Hơn nữa, trạm y tế cũng không triển khai việc lấy mẫu máu gót chân của trẻ.
Do những nguyên nhân như thiếu mẫu lấy máu, việc lấy máu không thực hiện tại các trạm y tế xã hay do tâm lý lo ngại của gia đình... nên chương trình sàng lọc sơ sinh ở tỉnh ta vẫn chưa đạt được kết quả cao.
Lợi ích thiết thựcTừ năm 2008, chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh chỉ được triển khai tại các huyện Kinh Môn, Thanh Miện, Bình Giang, Thanh Hà, Cẩm Giàng, TP Hải Dương nhưng khoảng 2 năm gần đây, chương trình đã được mở rộng ra toàn tỉnh với mục tiêu phát hiện những dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền và chuyển hóa trước và sau sinh, tránh được những hậu quả nặng nề từ những căn bệnh khác để lại khi trẻ sinh ra… Ông Phạm Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: "Tuy được triển khai trong toàn tỉnh nhưng hiện nay, việc lấy mẫu máu gót chân mới chỉ thực hiện ở các khoa sản của các bệnh viện tuyến huyện và Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. Cán bộ ở các trạm y tế đã được tập huấn nhưng chưa được thực hiện thủ thuật này. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ trẻ sinh ra tại trạm y tế thấp, mẫu máu chuyển về chậm và cũng không nhiều nên chủ yếu cấp về các bệnh viện".
Lấy mẫu máu gót chân trẻ sau 24 giờ có thể tầm soát được bệnh suy giáp trạng bẩm sinh (tuyến giáp không sản xuất đủ hoóc-môn khiến trẻ bị đần độn, chân tay không phát triển, thường tử vong trước tuổi trưởng thành), bệnh tăng sản tuyến thượng thận (một kiểu thiếu hụt en-dim gây sản xuất hoóc-môn nam bất thường, khiến trẻ có bộ phận sinh dục nửa nam nửa nữ) và bệnh thiếu men G6PD (bệnh huyết tán bẩm sinh do hồng cầu bị vỡ gây ra vàng da, thiếu máu). Trẻ mắc những căn bệnh này nếu được phát hiện và điều trị sớm vẫn phát triển bình thường. Theo số liệu từ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, mỗi năm tỉnh ta có hơn 20 nghìn trẻ em được sinh ra. Nếu được sàng lọc trước sinh, sơ sinh tốt sẽ phát hiện được khoảng 150 trẻ thiếu men G6PD (tỷ lệ trẻ thiếu men G6PD là 1/200) và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ sinh ra được sàng lọc ở tỉnh ta còn rất thấp. Trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 trẻ được sàng lọc, đạt khoảng 15%, phát hiện 46 trường hợp nghi ngờ có bất thường và chẩn đoán xác định 1 trường hợp bị suy giáp trạng bẩm sinh.
Để thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cần có các biện pháp tích cực hơn để nhiều trẻ được sàng lọc, tránh được những hiểm họa về sức khỏe sau này. Một giải pháp quan trọng mà ngành y tế cần coi trọng là tăng cường truyền thông để mọi người dân hiểu được lợi ích thiết thực mà chương trình mang lại.
MINH HẠNH