Chưa bao giờ vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lại được nhắc đến nhiều như hiện nay.
Hàng loạt những vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện cả ở trong và ngoài tỉnh như sử dụng chất cấm vàng ô trong chăn nuôi, tẩm hóa chất độc hại cho măng chua, dưa muối... đang khiến dư luận lo lắng hơn bao giờ hết. Trong khi người tiêu dùng đang loay hoay không biết làm thế nào để chọn lựa được thực phẩm an toàn thì ngành chức năng cần mau chóng vào cuộc để chấn chỉnh ngay tình trạng vi phạm chất lượng VSATTP.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong số hơn 3.800 cơ sở được thanh tra, kiểm tra trong 3 tháng đầu năm 2016 thì có 894 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP. Như vậy, trên 23% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra vẫn không bảo đảm VSATTP ở nhiều cấp độ khác nhau. Năm 2015 trên bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ với 57 người bị ngộ độc thực phẩm, chiếm tỷ lệ 3/100.000 dân, thấp hơn tỷ lệ chung là 8/100.000 dân. Gần 4 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tiếp nhận 65 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp ngộ độc được thống kê cụ thể, còn những thực phẩm bẩn chưa gây ngộ độc ngay mà hằng ngày hằng giờ tích lũy trong người đến lúc nào gây bệnh thì chưa được thống kê.
Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh vẫn phối hợp với Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền các tin, bài, tọa đàm, phóng sự; tổ chức phát động, phát tờ rơi, băng rôn, quảng cáo, đĩa VCD, khẩu hiệu, áp phích... Bên cạnh đó, chi cục còn tập huấn kiến thức về VSATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Theo đại diện lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, chi cục hiện chỉ có 15 biên chế trên địa bàn khoảng 1,7 triệu người thì không thể kiểm soát được hàng vạn loại thực phẩm đang lưu hành với nhiều tên gọi khác nhau. Trong khi đó, các phương tiện trang bị cho đội ngũ cán bộ kiểm tra an toàn thực phẩm lại rất hạn chế, nguồn kinh phí làm công tác xét nghiệm có hạn. Mặt khác, nhiều mặt hàng cần yêu cầu chuyên sâu trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm... nên việc đánh giá cũng như phát hiện sớm các thực phẩm bẩn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh... đã tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, phát hiện những vụ việc mất VSATTP. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý chất lượng VSATTP chưa thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đang diễn ra, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp phát hiện một số vụ việc như bắt giữ 3 tấn mỡ bẩn tại gia đình ông Nguyễn Văn Phút (xã Phạm Kha, Thanh Miện), hay lò mổ chuẩn bị giết mổ lợn ốm và tích trữ sản phẩm từ lợn đang phân hủy (phường Thạch Khôi, TP Hải Dương). Để tháng hành động thực sự mang lại ý nghĩa, các ngành chức năng của tỉnh cần thường xuyên phối hợp nắm bắt tình hình, tổ chức kiểm tra, phát hiện các vụ việc vi phạm chất lượng VSATTP, nhất là các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh rau; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến kinh doanh thịt. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cả người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân cùng nâng cao nhận thức trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm.
TRÀ MY(TP Hải Dương)