Cần dự báo đúng về nguồn cung thịt lợn

23/11/2019 15:54

Người tiêu dùng trong nước có lý do để lo lắng Tết này thiếu thịt bởi trước đó, các số liệu và dự đoán đưa ra rất khác nhau.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây, 2 bộ đã thống nhất dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm (tháng 11,12.2019 và tháng 1.2020) thiếu khoảng 200.000 tấn (tương đương 2 triệu con lợn xuất chuồng).

Để giải quyết lượng thiếu hụt này, tránh hiện tượng khan hàng và giá tăng đột biến, Bộ Công thương đã khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn về bình ổn thị trường, khuyến khích người dân sử dụng thịt lợn đông lạnh và sản phẩm khác thay thế.

Nhưng liệu các biện pháp nói trên của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT có kịp để giữ giá lợn ổn định trong những tháng cuối năm khi cả nước bước vào mùa cao điểm tiêu thụ thịt lợn?

Rõ ràng người tiêu dùng trong nước có lý do để lo lắng Tết này thiếu thịt bởi trước đó, các số liệu và dự đoán mà Bộ NN&PTNT đưa ra rất khác nhau.

Còn nhớ cách đây 3 tháng khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra cả nước, Cục Chăn nuôi khẳng định không thiếu lợn vì lượng tiêu hủy ít. Sau đó một tháng, Cục Chăn nuôi nói rằng thịt không thiếu, lượng lợn thiếu sẽ được bù bằng các nguồn thịt khác như thịt gà và vịt. 

Tiếp đó, Cục Chăn nuôi thông tin sẽ thiếu lợn cục bộ nhưng không khan hiếm, không cần nhập khẩu. Và đến nay, khi làm việc với Bộ Công thương, con số thiếu chính thức được đưa ra là 200.000 tấn và khuyến khích dân dùng thịt đông lạnh.

Vậy thì con số 200.000 tấn thịt lợn thiếu hụt liệu có phải là con số chính xác? Nếu chỉ dựa vào con số lợn đã bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi và nhu cầu của thị trường, có thể một lần nữa mức độ của vấn đề lại bị đánh giá thấp.

Bởi số liệu này được ghi nhận từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vốn nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn. Còn những trại lợn của các công ty chăn nuôi không nằm trong diện này, họ không có động lực gì để báo cáo lợn bị dịch với cơ quan chức năng. Mà trại của họ toàn có số lượng lợn hàng ngàn, hàng chục ngàn con.

Như các hiệp hội chăn nuôi đã nhiều lần chỉ ra, cần phải có con số chính xác để có bức tranh rõ ràng về hiện trạng ngành chăn nuôi. Từ đó mới đưa ra giải pháp ngắn hạn là cần thiết nhập khẩu thịt hay thúc đẩy tái đàn.

Việc chậm trễ thông tin dự báo đã đưa ra một bức tranh thiếu chính xác về tình hình chăn nuôi của Việt Nam cũng như định hướng cho các doanh nghiệp. Khi không có số liệu cụ thể và sự "mở cửa" của cơ quan quản lý, doanh nghiệp dù đoán trước giá lợn sẽ tăng cũng không dám nhập khẩu. 

Cách đây hơn 1 tháng, giá lợn từ Mỹ và Brazil chào bán khoảng 1,8 USD/kg thì nay đã tăng lên 2,9 - 3,3 USD/kg, thậm chí có nơi chào bán lên 3,8 USD/kg. Không chỉ lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp mà Việt Nam còn lỡ luôn cơ hội nhập lợn với giá rẻ về bình ổn thị trường.

Dịch tả lợn châu Phi đã làm cho Trung Quốc mất kiểm soát giá lợn hơi khi có lúc lên đến 140.000 đồng/kg và chỉ giảm xuống khi chính phủ nước này nhập khẩu một lượng lớn về bình ổn giá trong nước. 

Tại Việt Nam, thịt lợn chiếm tới 70% lượng thịt tiêu thụ trong bữa cơm hằng ngày và cần phải có lộ trình để thay đổi sang thịt gà hay cá. Vì vậy, dự báo đúng sẽ cho chúng ta những giải pháp đúng, đặc biệt là trong thời điểm cận Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng cao.

TRẦN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần dự báo đúng về nguồn cung thịt lợn