Nếu việc giải quyết chế độ chính sách cho người nhiễm chất độc da cam không sớm được sửa đổi sẽ thiệt thòi cho các đối tượng.
Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 15 nghìn người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó mới có gần 5.400 người được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Việc giải quyết chế độ cho người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin hiện còn nhiều bất cập. Trong quy định của Bộ Y tế, người nhiễm chất độc da cam ngoài những giấy tờ chính chứng minh địa bàn đơn vị hoạt động, Huân chương Chiến sĩ giải phóng còn phải mắc 1 trong 17 bệnh. Trong 17 bệnh theo quy định thì có tới 11 bệnh ung thư viết toàn bằng tiếng Anh, người dân thường khó hiểu được. Ngoài ra còn có các bệnh như vô sinh, tiểu đường tuýp 2, con bị dị dạng, dị tật... Thực tế, nhiều người không đi bộ đội nhưng vẫn mắc các bệnh này. Ngày 23-5-2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại có công văn số 1609/LĐTBXH-NCC nêu: “Trước mắt giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư”. Trong khi đó những người nhiễm chất độc da cam bị mắc bệnh ung thư hoặc bệnh hiểm nghèo thì có mấy ai còn kéo dài được sự sống để chờ đợi chế độ. Nhiều trường hợp hồ sơ xét duyệt chưa xong thì người chờ chế độ đã mất. Hơn nữa, nhiều người tham gia kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc nay ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nếu việc giải quyết chế độ chính sách cho người nhiễm chất độc da cam không sớm được sửa đổi sẽ thiệt thòi cho các đối tượng.
Thiết nghĩ, người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin chỉ cần chứng minh bằng giấy chứng nhận đơn vị, địa bàn hoạt động, huân chương, huy chương giải phóng, bệnh án điều trị bệnh..., những yếu tố bộ đội đóng quân ở những vùng khác, thời điểm khác không thể có được. Việc xét duyệt hồ sơ cũng phải làm chặt chẽ từ cơ sở, tránh hiện tượng một số kẻ lợi dụng làm giả chế độ...
VŨ CẨN THẬN(Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam xã Tân Phong, huyện Ninh Giang)