Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

04/11/2014 14:23

Các doanh nghiệp hy vọng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét tháo gỡ một số chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn...



Cán bộ Chi cục Thuế Cẩm Giàng thường xuyên kiểm tra tình hình kinh doanh của các hộ
 kinh doanh trên địa bàn thị trấn Lai Cách


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 là rất cần thiết, nhất là những nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân hay những chính sách hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NNNT)... Từ lâu, Hải Dương được biết đến là một tỉnh nông nghiệp trọng điểm của đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đang loay hoay với bài toán được mùa, mất giá. Giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích thấp và tăng chậm. Chưa có những mô hình cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao đáng nhân rộng. Bên cạnh những khó khăn chung, việc các DN chưa được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực NNNT là một nguyên nhân quan trọng. Trên địa bàn tỉnh, số DN đầu tư vào khu vực NNNT rất ít và đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động cũng không lớn. Tiềm năng to lớn của một tỉnh nông nghiệp trọng điểm chưa được khai thác xứng đáng. Vì vậy, dự thảo luật lần này quy định thuế TNDN dành cho những DN đầu tư vào lĩnh vực NNNT sẽ ở mức 20% trong 2 năm 2014-2015 và giảm xuống còn 17% kể từ ngày 1-1-2016, là rất phù hợp. Dự thảo luật cũng đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi, thủy sản... Toàn tỉnh hiện có 26 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản lượng đạt trên 400 nghìn tấn mỗi năm. Khi không chịu thuế giá trị gia tăng 5%, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi có điều kiện hạ giá thành sản phẩm. Nguyên liệu đầu vào giảm, người chăn nuôi sẽ có lợi nhuận nếu thị trường ổn định. Dự thảo luật nếu được thông qua có tác dụng thu hút DN đầu tư và nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cần đánh giá, rà soát lại toàn bộ các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với lĩnh vực NNNT, nông dân. Bảo đảm việc ban hành chính sách ưu đãi sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thu hút được các DN có năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực NNNT.


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế cũng đề cập đến những ưu đãi cho ngành công nghiệp phụ trợ. Đây thực sự là cơ hội để công nghiệp phụ trợ phát triển. Hết tháng 10-2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN trong tỉnh đạt trên 3 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng may mặc, giầy dép, máy in, máy fax, linh kiện điện tử, dây và cáp điện... Do ngành công nghiệp phụ trợ trong tỉnh còn yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nên phần lớn nguyên, vật liệu phải nhập khẩu. Đây là một sự lãng phí quá lớn so với tiềm năng của các DN trong tỉnh. Công nghiệp phụ trợ ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp gia tăng giá trị các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh. Vì vậy, ưu đãi công nghiệp phụ trợ sẽ thu hút đầu tư và giúp các DN có điều kiện tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, tạo ưu thế trong xuất khẩu. Trên cơ sở này, tỉnh ta cần tập trung rà soát đối tượng, danh mục ngành công nghiệp phụ trợ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Ngoài những ưu tiên, ưu đãi cụ thể, nhiều DN mong muốn các cơ quan chuyên môn tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế. Cần xóa bỏ bản kê hóa đơn hàng hóa mua vào, bán ra trong hồ sơ kê khai thuế. Không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và nhiều hồ sơ khai thuế khác. Hiện nay, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện việc kê khai và nộp thuế điện tử, giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) cũng đã được áp dụng từ tháng 9 - 2014 nhằm thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang vận hành và triển khai tại 3 cấp ngành thuế. Việc đưa hệ thống TMS vào vận hành giúp ngành thuế nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thuế, tạo dựng một hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình thực hiện các thủ tục về thuế, giúp giảm thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.

VỊ THỦY


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp