Để phát huy được vai trò của mình, các HTX cần phải đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững hơn...
Vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Phạm Kha
đem lại thu nhập cho người nông dân từ 3,5 - 4 triệu đồng/sào/vụ
Thời gian qua, các HTX đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò của mình, các HTX cần phải đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững hơn.
Đóng góp thiết thựcTrước đây, người dân xã Phạm Kha (Thanh Miện) chỉ trông chờ vào cây lúa, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã đã mạnh dạn đưa vào thử nghiệm mô hình trồng rau an toàn và cử 425 xã viên đi đào tạo qua lớp sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2013, xã đã quy hoạch được vùng trồng rau an toàn chuyên trồng ớt, củ đậu, cải bắp, hành... với diện tích hơn 25 ha. Nhờ có vùng sản xuất rau an toàn, thu nhập của người dân tăng lên rõ rệt. Hiện nay, người dân ở đây mỗi năm quay vòng từ 5-6 vụ rau màu, mỗi sào thu lãi từ 3,5-4 triệu đồng. Vụ đông xuân năm 2014, HTX trồng thử nghiệm trên hơn 10 ha cây củ cải, hành, ớt để làm nguyên liệu xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhưng do thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên thu nhập của người dân còn bấp bênh. HTX đang tiếp tục nghiên cứu để tìm những cây trồng mới có thị trường tiêu thụ ổn định để đưa vào sản xuất. "Hiện tại, xã đã xây dựng được nhà sơ chế rau an toàn, tuy nhiên vẫn chưa đưa vào sử dụng do người dân có thói quen bán cho nhiều đầu mối khác nhau. Chúng tôi đang vận động người dân cung cấp rau cho HTX để có nguồn nguyên liệu ổn định", ông Vũ Viết Khang, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha cho biết.
Đánh giá về những đóng góp tích cực của HTX Dịch vụ nông nghiệp đối với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương, ông Nguyễn Văn Mỳ, Chủ tịch UBND xã Phạm Kha khẳng định: "HTX Dịch vụ nông nghiệp đã có nhiều việc làm tích cực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức canh tác, giải quyết việc làm cho nông dân. Hiện nay, thu nhập trên 1 ha đất canh tác của nông dân đã đạt gần 138 triệu đồng/năm, cao gần gấp đôi so với khoảng chục năm về trước. Bên cạnh đó, HTX tích cực tham gia đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương. Đồng ruộng sau khi được quy hoạch không chỉ thuận lợi trong các khâu sản xuất, mà còn thể hiện rõ vai trò của HTX trong xây dựng NTM".
Năm 2004, HTX Nước sạch Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen sử dụng nước sinh hoạt của nhiều hộ dân. Những năm trước, phần lớn người dân trong xã có thói quen sử dụng nước mưa, chỉ có khoảng 20% số người sử dụng nước sạch. Sau khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân xã Kỳ Sơn và các địa phương lân cận tăng cao, nhận thấy đây là cơ hội tốt để mở rộng quy mô sản xuất, HTX tiếp tục đầu tư 1,5 tỷ đồng để nâng công suất trạm cấp nước sạch Kỳ Sơn lên 100 m³/giờ; đồng thời, mở rộng lắp đặt hệ thống đường ống sang các xã Đại Đồng, Ngọc Sơn. Đây là một trong những HTX có trạm cấp nước sạch quy mô lớn của huyện Tứ Kỳ hiện nay với công suất 150 m³/giờ, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 4.000 hộ của 3 xã Kỳ Sơn, Ngọc Sơn và Đại Đồng. Nước sạch do HTX Nước sạch Kỳ Sơn cung cấp đã được đông đảo người dân đón nhận. Việc xây dựng HTX là việc làm kịp thời, giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, giúp xã từng bước hoàn thiện tiêu chí vệ sinh môi trường - một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Tiếp tục củng cố, phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, vai trò của HTX trong xây dựng NTM được nêu cụ thể trong tiêu chí hình thức, tổ chức sản xuất. Với tiêu chí này, xã nào muốn xây dựng NTM thì xã phải có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động hiệu quả. Do đó, các tổ chức kinh tế hợp tác mà cụ thể là vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp được coi là quan trọng, bởi vừa hỗ trợ thực hiện những tiêu chí cần đạt được và có điều kiện phát huy hiệu quả nội lực trong xây dựng NTM.
Những năm gần đây, nhiều HTX hoạt động tích cực, là kênh tạo việc làm hiệu quả cho người lao động. Không chỉ thế, HTX Dịch vụ nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mở rộng các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Người quản lý, các HTX nông nghiệp đã thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Phần lớn các HTX dịch vụ nông nghiệp đều có dịch vụ thuỷ lợi, việc kiên cố hóa kênh mương và giao thông nội đồng được quan tâm đầu tư xây dựng. Các HTX ngày càng chủ động hình thành các tổ, đội xây dựng cùng chính quyền địa phương kiên cố hóa kênh mương, đường nội đồng. Một số HTX phối hợp cùng chính quyền đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, góp phần tăng năng suất, chất lượng, thu nhập của người dân.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX, 717 HTX. Trong đó, có 309 HTX dịch vụ nông nghiệp, 117 HTX thương mại - dịch vụ, 22 HTX giao thông vận tải, 21 HTX xây dựng, 16 HTX chăn nuôi, 22 HTX thủy sản, 73 HTX công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp, 20 HTX dịch vụ điện, 8 HTX nước sạch vệ sinh môi trường... Các tổ hợp, liên hiệp HTX và các HTX đã góp phần tạo việc làm cho gần 40.000 lao động, phần lớn là những lao động tại vùng nông thôn. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động với thu nhập trung bình một người 3 triệu đồng/tháng.
|
TRẦN HIỀN