Việc triển khai giám sát và phản biện xã hội theo quy chế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do không có cơ chế ràng buộc..
Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Dân (Chí Linh)
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ và các đoàn thể. Tuy nhiên, việc triển khai giám sát và phản biện xã hội theo quy chế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do không có cơ chế ràng buộc.
Cơ chế chưa cụ thểVề mặt lý thuyết, giám sát (GS) là hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân của MTTQ, nhưng rất khó triển khai trong thực tế. Theo Quy chế GS và phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thì các tổ chức này GS thông qua đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi đến họ và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế, rất nhiều người dân có đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan chức năng giải quyết nhưng vẫn cho rằng quyền lợi của mình chưa được bảo vệ, thậm chí bị xâm phạm. Đối với những trường hợp này, MTTQ không thể bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân vì MTTQ không phải là cơ quan có chức năng giải quyết đơn thư.
Những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đã làm cho hoạt động GS của MTTQ và các tổ chức, đoàn thể trong thực tế nhiều năm qua chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hoạt động GS đang chỉ là việc làm chung chung, động viên nhân dân thực hiện quyền GS, tham gia hoạt động GS với cơ quan quyền lực nhà nước và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh cho HĐND, các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết... nhưng kết quả và hiệu quả chưa như mong muốn.
Về PBXH, ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, việc này đã bị “gò” ngay trong văn bản pháp luật. Cụ thể là cả Quy chế về GS và PBXH và Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT ngày 17-4-2014 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế này đều có một nội dung là: khi các cơ quan chức năng yêu cầu thì MTTQ tổ chức phản biện. Quy định như vậy ở Trung ương MTTQ thì có thể thực hiện được, chứ ở các địa phương rất ít hoặc thậm chí không có cơ quan chức năng nào yêu cầu MTTQ phản biện cả. Vì vậy, hoạt động PBXH của MTTQ địa phương là hoàn toàn bế tắc.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương và Quốc hội năm 2008 đều quy định, khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người dân thì phải thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đối tượng chịu tác động của văn bản đó để tham gia ý kiến. Nhưng ở nhiều địa phương, các cơ quan ban hành văn bản thường "lờ" đi không gửi đến MTTQ xin ý kiến và cũng không có chế tài nào quy định các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải gửi đến để MTTQ tham gia phản biện. Hơn nữa, nếu các cơ quan có gửi xin ý kiến thì MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng chỉ được tham gia ở giai đoạn cuối nên không có đầy đủ thông tin. Vì vậy, MTTQ và các đoàn thể khó mà phản biện một cách chính xác, toàn diện.
Do không có cơ chế ràng buộc, nên từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ mới tổ chức được 1 cuộc GS độc lập ở 18 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2015. Ủy ban MTTQ đã gửi công văn đến các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng cấp, đề nghị gửi yêu cầu phản biện với những văn bản định ban hành, nhưng đến nay chưa có một cơ quan nào đề nghị MTTQ phản biện. Hoạt động phản biện của MTTQ các cấp và các đoàn thể mới chỉ dừng lại ở tập huấn và tìm hiểu các văn bản của Trung ương. Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV, ngày 13-11 vừa qua, UBND tỉnh có công văn, giao cho các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Nội vụ xem xét, gửi dự thảo nội dung cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trước ít nhất 20 ngày (tính đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV) để tổ chức phản biện. Nhưng công văn ghi rõ là nếu xét thấy cần thiết thì mới phải đề nghị MTTQ phản biện. Đến ngày 18-11, Ủy ban MTTQ chưa nhận được đề nghị phản biện của đơn vị nào trong số 3 đơn vị trên.
Cần được luật hóaĐể hoạt động GS và PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị phát huy được hiệu quả, những quy định về các hoạt động này đều phải được luật hóa. Ông Tế đề nghị, thời gian tới, khi Trung ương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương và Quốc hội năm 2008, phải đưa chế định PBXH vào quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật kể cả ở cấp Trung ương và địa phương. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng hằng năm, 6 tháng hoặc 1 năm, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan ban hành văn bản phải xem xét, văn bản nào cần phản biện thì đưa vào kế hoạch. Những văn bản đã được đưa vào kế hoạch phản biện mà không có ý kiến của MTTQ thì không được ban hành, kể cả nghị quyết của HĐND.
Với hoạt động GS, cần phải có quy định, MTTQ và các đoàn thể GS lại những kết quả đã giải quyết chứ không phải chỉ GS quá trình giải quyết và GS cả những vụ việc đã có kết luận cuối cùng. Nếu chưa đúng hoặc chỉ có một nội dung nào chưa đúng thì yêu cầu phải giải quyết lại. Nếu giải quyết đúng thì MTTQ giúp chính quyền giải thích cho người dân như là thực hiện vai trò hòa giải.
Ngày 12-11-2014, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII về dự thảo Luật MTTQ (sửa đổi), đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, nội dung PBXH cần phải thể chế hoá trong Luật MTTQ Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi, nội dung, phương thức và cơ chế, điều kiện bảo đảm để MTTQ Việt Nam thực hiện. Giá trị và ý nghĩa hoạt động PBXH của MTTQ chính là sự thể hiện cho ý chí, nguyện vọng, thái độ và trách nhiệm của nhân dân đối với quá trình dự thảo chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước.
Một số đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần làm rõ hơn cơ chế để MTTQ tham gia hoạt động góp ý với Nhà nước, thực hiện GS và PBXH; đồng thời, cần khẳng định rõ tính chất GS và PBXH của MTTQ mang tính nhân dân, hỗ trợ bổ sung cho công tác GS, kiểm tra, thanh tra nhà nước, góp phần kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi bổ sung các chính sách phù hợp. Một số đại biểu cũng cho rằng, nội dung phản biện của MTTQ không nên chỉ giới hạn trong việc xây dựng chương trình, chính sách pháp luật, đề án của cơ quan nhà nước. Dự thảo luật cần quy định trách nhiệm của các cấp phải trả lời ý kiến GS của MTTQ. Nếu cấp dưới không trả lời thì kiến nghị lên cấp trên, cuối cùng đưa ra Quốc hội để xử lý.
HOÀNG NGÂN