Dự thảo báo cáo chính trị đã phản ánh chính xác tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010-2015, tuy nhiên cũng còn nhiều điều phải bổ sung...
Hội nhập sâu rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong ảnh: Công nhân Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch nghiên cứu chế tạo thiết bị để nâng cao
hiệu suất của máy nghiền. Ảnh: Thành Long
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) được chuẩn bị công phu, cấu trúc hợp lý, bám sát đề cương đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Nội dung báo cáo chính trị đã phản ánh chính xác tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010-2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt mức bình quân cả nhiệm kỳ 7,9%/năm, cao hơn bình quân của cả nước, đời sống nhân dân được nâng lên, thu ngân sách nhà nước tăng trên 7%/năm. Tuy nhiên, nếu so với một số tỉnh bạn cùng có điều kiện thì tăng trưởng của Hải Dương còn nhiều điều phải suy nghĩ.
Công nghiệp phụ trợ chưa phát triểnĐối với các nước phát triển, khi những dự án triển khai đầu tư thì đi kèm với đó là các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị phụ trợ. Điều này sẽ hình thành một môi trường phát triển tốt, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên hiện nay không chỉ ở Hải Dương mà nhiều địa phương khác cũng đang rất khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Theo tôi, vấn đề này nằm ở yếu tố công ty mẹ. Bản thân nhiều doanh nghiệp vẫn chưa muốn đầu tư sản xuất các thiết bị phụ cho sản phẩm của họ tại địa phương đó. Cũng có những doanh nghiệp đã có bạn hàng ổn định, họ không muốn thay đổi đối tác. Do đó, để các doanh nghiệp địa phương chen chân vào lĩnh vực này đang là bài toán khó đối với cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Vừa qua, Bắc Ninh cũng muốn phát triển công nghiệp phụ trợ để cung cấp một số linh kiện đơn giản cho Tập đoàn Samsung nhưng sau nhiều lần lựa chọn, tập đoàn này chỉ chấp nhận 4 - 5 doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn và mới dừng lại ở việc cung cấp bao bì đóng gói sản phẩm đơn giản.
Ở Hải Dương, ngành công nghiệp phụ trợ chưa thực sự phát triển. Các doanh nghiệp mới sản xuất các hàng hóa đơn giản như bao bì đóng gói. Nguyên nhân do trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa dám thử sức. Theo tôi, để chen chân vào lĩnh vực này, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh phải là người đi đầu. Ngoài nỗ lực của doanh nhân, tỉnh cần phân loại, từ đó có chính sách hỗ trợ từ mặt bằng, vay vốn để doanh nghiệp có thể nhập công nghệ hiện đại nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân sẽ giữ vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp này vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo giá trị gia tăng cho xã hội...
Để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại Mục tiêu đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã được đưa vào nghị quyết nhiệm kỳ trước. Nếu xét về tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ trong GDP từ 80% trở lên là tỉnh công nghiệp thì Hải Dương đã đạt được yếu tố này. Nhưng theo hướng hiện đại thì chúng ta còn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều.
Hiện nội hàm của cụm từ "theo hướng hiện đại" chưa được định nghĩa rõ ràng nhưng theo tôi để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì nền kinh tế phải thực sự phát triển với công nghệ tiên tiến, sạch, trình độ quản trị doanh nghiệp ở mức cao, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và tiêu thụ hiệu quả sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, về mặt công nghệ sản xuất, trình độ quản lý của chúng ta còn thấp. Đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy Hải Dương có rất ít doanh nghiệp được cấp chứng chỉ là doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, trong khi tỉnh ta có hơn 7.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công nghệ quản lý của chúng ta vẫn còn lạc hậu. Để khắc phục hạn chế này, sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ tới phải cụ thể hóa các công việc. Theo đó, một mặt Nhà nước phải như "bà đỡ" cho các doanh nghiệp, mặt khác chúng ta phải thực thi nghiêm chính sách, pháp luật. Chúng ta không thể để tỉnh là "bãi thải" của các nước phát triển với những dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Nếu chúng ta lỏng tay sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, chúng ta cần hết sức thận trọng với dự án Nhiệt điện Hải Dương. Đây là dự án nhiệt điện đầu tư lớn lại nằm gần khu dân cư. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ mua phải dây chuyền lạc hậu, hiệu năng thấp, gây ô nhiễm môi trường... Về cơ cấu kinh tế, tỉnh cần chú trọng phát triển ngành dịch vụ. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị đặt ra chỉ tiêu phát triển dịch vụ đạt 7,5% theo tôi là thấp. Trong phát triển nông nghiệp phải tính đến sản xuất sạch. Nông sản của bà con nông dân sản xuất ra chưa thực sự tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Cần khuyến cáo nông dân đi vào sản xuất sản phẩm sạch, an toàn...
Cơ hội phát triển từ hội nhậpNước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN và mới nhất Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ở tỉnh ta, có nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày... xuất khẩu nên việc hội nhập sẽ tạo cho các doanh nghiệp sân chơi mới để phát triển mạnh hơn, bởi khi đó thuế suất của các nước đối tác rất thấp, thậm chí có nhiều mặt hàng thuế suất 0%. Hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của các nước đối tác. Chúng ta không còn phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà đối tác của Việt Nam là các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia... Nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này cũng rẻ, giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các hiệp định thương mại sẽ bao trùm cả cam kết về những vấn đề xuyên suốt như sự hài hòa giữa các quy định pháp luật, tính cạnh tranh, vấn đề hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển... Đây là những lợi ích lâu dài và xuyên suốt các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.
Không chỉ hàng hóa công nghiệp mà các mặt hàng nông sản cũng có cơ hội xuất khẩu. Những đặc sản như vải thiều, ổi, na, nếp cái hoa vàng... sẽ được xuất khẩu sang các nước đối tác mà họ không có. Việc hội nhập của nền kinh tế không chỉ giúp người dân được hưởng lợi từ hàng hóa chất lượng cao với giá cạnh tranh mà từ đó còn thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh phải tự vận động để tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp sẽ có động lực mới để vươn lên, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà. Tỉnh cần quan tâm giúp đỡ các doanh nghiệp, có như thế kinh tế của tỉnh mới phát triển, tạo điều kiện để đạt được các mục tiêu mà Dự thảo Báo cáo chính trị đề ra.
HOÀNG VĂN BẢO
nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh