Bác Tô Dục, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi số 2, xã Cổ Dũng, Kim Thành luôn luôn nhiệt tình với công tác hội. Vì vậy, nhiều năm liền bác Dục là hội viên tiêu biểu "Tuổi cao, gương sáng".
|
Năm 1983, sau khi xuất ngũ bác Tô Dục trở về địa phương, xã Cổ Dũng (Kim Thành). Do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên bác Dục tập trung vào làm kinh tế. Năm 2000, khi kinh tế gia đình đã có bước ổn định, cũng là lúc đủ tuổi tham gia vào Hội Người cao tuổi (NCT) của xã, bác tham gia công tác hội. Được sự tín nhiệm của ban chấp hành (BCH) và hội viên trong chi hội số 2, bác Dục được bầu làm chi hội trưởng. Những ngày đầu mới tham gia công tác do chưa có kinh nghiệm nên bác gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chi hội hoạt động chưa đồng đều, hội viên tham gia còn mang tính ép buộc, công tác xây dựng quỹ hội còn gặp nhiều khó khăn... Bác Dục nhận thấy nếu hội không có hoạt động thiết thực thì khó thu hút được hội viên tham gia, chi hội sẽ không thể phát huy vai trò góp phần nâng cao đời sống NCT. Bác Dục đã chủ động đề xuất với BCH hội, cấp ủy, chính quyền thôn tạo điều kiện giúp đỡ chi hội. Có NCT nào chưa tham gia sinh hoạt trong hội, bác đến nhà tìm gặp, vận động, giải thích để họ tham gia. Nhờ sự nhiệt tình, tận tụy của bác, số NCT tham gia sinh hoạt chi hội ngày càng đông. Năm 2005, bác Dục được bầu vào BCH hội, giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội NCT xã Cổ Dũng. Bác Dục tâm sự: Vận động được NCT vào hội đã khó, nhưng để họ tích cực tham gia sinh hoạt hội còn khó hơn. Vì vậy, bác chủ động tham mưu với BCH tổ chức các câu lạc bộ (CLB) thực hiện phong trào NCT sống vui, khỏe, có ích. Hội đã thành lập được 1 CLB do bác Dục làm chủ nhiệm, gồm 7 tổ: tổ đàn hát dân ca, tổ thể dục dưỡng sinh, tổ múa lân, tổ thơ, xe đạp, cờ tướng và cầu lông với 160 hội viên. Những ngày đầu mới thành lập CLB, khó khăn nhất là kinh phí để phục vụ hoạt động. Bác Dục cùng BCH hội tổ chức vận động hội viên cùng lo kinh phí với hội, hội viên đóng góp một nửa, còn lại hội nhận trách nhiệm. Nhờ vậy các tổ đều có quỹ riêng để phục vụ hoạt động. Điển hình như tổ xe đạp có 9 triệu đồng quỹ riêng, tổ cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế với mức lãi suất thấp. Do có kinh phí riêng nên hằng năm, tổ thường xuyên tổ chức cho các hội viên đi đường xa, kết hợp tham quan, du lịch. Tổ xe đạp đã tổ chức cho hội viên 6 cuộc đi xa, gần nhất là 10km, xa nhất là 30km đều bảo đảm an toàn... Bằng phương thức hội và hội viên cùng lo kinh phí, hội đã trang bị cho hội viên tổ dưỡng sinh 70 bộ trang phục với tổng kinh phí trên 7 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, Hội NCT xã đã tổ chức 3 buổi giao lưu cho các tổ: Tết dương lịch tổ chức cho hội viên tổ dưỡng sinh và múa lân giao lưu với các CLB ở các huyện khác tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh; tổ chức đêm giao lưu thơ chào năm mới; tổ chức cho hội viên tổ xe đạp diễu hành về Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)...
Bằng những việc làm thiết thực trên nên hội đã vận động được trên 90% số NCT trong xã tham gia sinh hoạt. Việc vận động xây dựng quỹ Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở xã đã gặp nhiều khó khăn. Do người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc xây dựng quỹ nên có nhiều người không tham gia, thậm chí có người còn phản đối. Trước tình hình đó, bác Dục cùng BCH đã có sáng kiến: mỗi gia đình nộp 50 nghìn đồng tiền quỹ và được nhận một biên lai, sau này đến tuổi gia nhập hội, hội viên đó sẽ được khấu trừ vào tiền quỹ hội... Với sáng kiến này, người dân thấy được quyền lợi của mình nên nhiệt tình ủng hộ quỹ chăm sóc NCT của xã được hơn 48 triệu đồng, tổng quỹ hội trên 72 triệu đồng, bình quân 103 nghìn đồng/hội viên. Bên cạnh đó, bác Dục còn vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào của địa phương; quan tâm phát triển quỹ khuyến học của các dòng họ; tích cực tham gia phong trào làm bê-tông đường làng, ngõ xóm, giữ vững danh hiệu làng văn hóa...
Luôn nhiệt tình với công tác hội, với các hoạt động của CLB, quan tâm tới từng hội viên... vì vậy, nhiều năm liền bác Dục là hội viên tiêu biểu "Tuổi cao, gương sáng".
THANH HOA