“Làm công tác nhân đạo phải có cái tâm, cái đức” - Đó là phương châm sống và làm việc của bà Bùi Thanh Ẩn (SN 1948), Chủ tịch Hội CTĐ thị trấn Phú Thái (Kim Thành).
Bà Ẩn đã gần 20 năm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Phú Thái
Nuốt nước mắt vào lòng18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô gái quê gốc xã Kim Anh (Kim Thành) Bùi Thanh Ẩn lên đường nhập ngũ rồi công tác tại Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng. Sau đó, chị chuyển về học tại Trường Trung cấp Cán bộ thống kê Trung ương (Hà Bắc cũ). Một lần trên đường về quê, tình cờ gặp lại người bạn học Nguyễn Quang Thiệu năm xưa, nay anh là thương binh 2/4. Từng là người lính, chị Ẩn hiểu hơn ai hết những mất mát, thiệt thòi mà người bạn trai phải gánh chịu. Tình yêu đã nảy nở từ tấm lòng cảm thông và họ nên vợ nên chồng vào năm 1970. Không còn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu ngoài mặt trận, anh trở về công tác tại Thái Nguyên. Tuy lấy chồng nhưng chị vẫn quyết tâm hoàn thành việc học, rồi ra trường nhận công tác tại các huyện Gia Lộc, Kinh Môn. Những năm tháng ấy, anh công tác xa, chị một mình vượt cạn, lần lượt sinh 2 đứa con. Khi các con cứng cáp, chị lại phải gửi ông bà trông giúp để lo công việc xã hội. Năm 1979, anh Thiệu phải nghỉ việc về nhà dưỡng thương vì những mảnh đạn còn lại trong người khiến sức khỏe giảm trầm trọng. Lúc này, chị cũng xin chuyển công tác về huyện Kim Thành để có thể vẹn toàn “việc nước, việc nhà”. Sau gần 10 năm lấy nhau, anh chị mới được ở gần nhau, nhưng hạnh phúc không hề trọn vẹn bởi đó là khoảng thời gian anh phải gồng mình chống chọi với những đau đớn do vết thương tái phát. Dù chị đã nỗ lực chăm sóc nhưng năm 1982, anh cũng bỏ chị ở lại với hai đứa con thơ dại. Góa chồng ở tuổi 28, người mẹ trẻ đành "nuốt nước mắt vào trong" để nuôi con. Bằng nghị lực của người từng ở trong quân ngũ, chị dặn lòng phải cứng rắn, quyết nuôi dạy 2 con nên người. Sống trong căn nhà rách nát, những bữa cơm ngày mưa lạnh ngắt vì nước tạt vào mà lòng chị đau quặn thắt. Làm gì để các con bớt khổ, được ăn học bằng người, ý nghĩ ấy lúc nào cũng quay quắt trong lòng chị. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, chị đành chấp nhận nghỉ hưu sớm để xoay xở nuôi con. Ngày mưa, ngày nắng, khi thì bó rau, lúc củ khoai, củ sắn... chị bươn chải khắp nơi.
Vẹn toàn việc nước, việc nhàĐể lại bao khó khăn vất vả năm xưa, giờ đây người phụ nữ ấy đã lên chức bà. Cơ ngơi bà gây dựng được là căn nhà khang trang và sự trưởng thành của các con. Báo hiếu sự hy sinh, tấm lòng kiên định thờ chồng, nuôi con của mẹ, 2 con của bà đã không ngừng phấn đấu học tập, tiếp bước cha mẹ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Khi việc nhà đã tạm ổn, bà lại tiếp tục cống hiến cho công tác xã hội. Năm 1996, khi các con đã “đủ lông, đủ cánh”, bà hăng hái đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội CTĐ thị trấn Phú Thái. Công tác nhân đạo cuốn bà đi, đến nay đã ngót 20 năm, lúc nào bà cũng tận tụy hết mình (trước đó khi Hội CTĐ thị trấn chưa thành lập, bà đã đứng lên đảm nhận công tác này). Tấm lòng thơm thảo của người vợ thủy chung, người mẹ hiền ấy đã đến với bao mảnh đời bất hạnh. Đó là những cháu bé mồ côi, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn như: Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 2000), Dương Thị Thu Huyền (sinh năm 2008), Đoàn Phương Anh (sinh năm 2006)... Hay những cụ già neo đơn, bệnh trọng: Đinh Thị Nhỡ (ngoài 90 tuổi), Trịnh Thị Đậm (hơn 80 tuổi)... Có những người mắc bệnh hiểm nghèo, nạn nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối, bà vẫn ân cần đến từng nhà động viên, thăm hỏi, thường xuyên tặng quà để sẻ chia khó khăn và mang đến cho họ niềm tin cuộc sống. Dường như với bà tuổi càng cao trách nhiệm với công việc càng lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2013, bà đã cùng Ban Chấp hành Hội CTĐ thị trấn Phú Thái vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ hơn 15 triệu đồng cho Quỹ nhân đạo. Với sự sát sao của bà, không có bất kỳ người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn nào trên địa bàn thiếu sự động viên kịp thời của Hội CTĐ. Trong năm, đã có 205 người nhận được sự quan tâm ấy với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Hội CTĐ thị trấn Phú Thái là cơ sở hội thăm hỏi, tặng quà số người nhiều nhất huyện. Ngoài ra, hội cũng tham gia thăm hỏi người không may gặp rủi ro, sửa nhà đại đoàn kết, ủng hộ dự án "Ngân hàng bò", tặng sổ tiết kiệm cho người nghèo... với số tiền hàng chục triệu đồng. Các hoạt động của hội, từ việc phối hợp khám bệnh cho người già, tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi, vận động ủng hộ đồng bào trong và ngoài nước gặp hoạn nạn... đều được bà tổ chức chu đáo và hiệu quả. Năm nay, bà cũng tích cực vận động được 50 người tham gia tổ chức hội, đưa tổng số hội viên lên 1.295 người (cao nhất huyện) và duy trì được mức quỹ hội khoảng 90 triệu đồng.
Hay lam hay làm, bà Ẩn còn tích cực huy động sự đóng góp của tổ chức hội vào công việc chung của địa phương như: tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự giao thông; vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa; kết hợp vệ sinh môi trường vào ngày 25 hằng tháng và đảm nhận một con đường xanh, sạch, đẹp...
Gần 20 năm làm Chủ tịch hội, bà Ẩn không nhớ mình đã bao lần được Trung ương và địa phương khen thưởng. "Trước hết phải xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, hiệu quả, từ việc tổ chức vận động quyên góp đến rà soát đối tượng thụ hưởng. Tất cả đều phải ghi chép và thông báo công khai, minh bạch. Có như vậy mới xây dựng được lòng tin với mọi người để làm lay động được nhiều hơn những tấm lòng nhân ái. Đặc biệt, người làm công tác nhân đạo phải lấy cái vui của người làm cái vui của mình: Ra đi quyên góp gạo tiền/ Chẳng màng một chút để riêng cho mình/ Đồng tiền, bát gạo phân minh/ Trao tay người khó nghĩa tình biết bao" - bà Ẩn trầm ngâm chia sẻ về công việc của mình.
NGỌC THANH