Việc một số cán bộ quản lý doanh nghiệp có lối ứng xử thiếu tôn trọng là một trong những nguyên nhân khiến công nhân đình công...
Công nhân Công ty TNHH Nam Yang Delta đình công ngày 18-2 một phần do việc cư xử thiếu tôn trọng của cán bộ quản lý
Miệt thị công nhânChị Lê Thị Xuyên ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) làm việc cho một công ty do nước ngoài đầu tư đã hơn 5 năm nay. Tay nghề cứng cùng với tinh thần làm việc chăm chỉ, chị Xuyên đã được giao chức tổ trưởng, quản lý một tổ sản xuất trong công ty. Công việc của chị vẫn thuận lợi theo quy trình sản xuất nhiều năm nay của công ty. Nhưng khi tổng quản lý toàn bộ công ty phát hiện ra một công đoạn trong quá trình sản xuất của tổ chị Xuyên cần phải thay đổi để nâng cao hiệu quả công việc thì mâu thuẫn phát sinh. Người quản lý này mang quốc tịch nước ngoài nhưng gốc Việt Nam, vì vậy rất am hiểu tiếng Việt. Người này đã không tiếc lời mắng mỏ chị Xuyên và một số đồng nghiệp khác cùng làm với giọng điệu rất “khó chịu”. “Quản lý trưởng đã gọi chúng tôi đến và nói rất gay gắt rằng chúng tôi là những người ngu nhất thế giới. Bao nhiêu năm làm việc ở vị trí đấy mà không nhận thấy sự bất cập trong sản xuất. Như vậy không xứng đáng với sự trả công của công ty. Thậm chí quản lý trưởng còn bảo chúng tôi có thể viết đơn nghỉ việc, công ty cũng không giữ”, chị Xuyên bức xúc cho biết. Theo chị Xuyên, thay đổi công đoạn sản xuất không phải do năng lực của công nhân. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải ai cũng dám quyết định.
"Quản lý trưởng đã gọi chúng tôi đến và nói rất gay gắt rằng chúng tôi là những người ngu nhất thế giới."
|
|
Tình trạng cán bộ quản lý (CBQL) có thái độ ứng xử thiếu tôn trọng người lao động đã diễn ra nhiều năm nay. Công nhân là những người đi làm thuê “thấp cổ bé họng” nên thường phải “cắn răng chịu đựng” nếu như không muốn mất việc làm. Giống như “giọt nước tràn ly”, chỉ đến khi đình công xảy ra, công nhân mới có cơ hội tố tội quản lý mà không sợ bị trù dập. Cách đây 3 năm, xảy ra một vụ đình công của công nhân một công ty trên địa bàn xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ). Công ty này do người nước ngoài đầu tư quản lý. Trong các kiến nghị nêu ra, công nhân đã đề cập đến thái độ ứng xử của CBQL và yêu cầu không được tự ý đuổi việc công nhân mà phải thực hiện theo đúng pháp luật lao động; phải chấn chỉnh thái độ mắng chửi công nhân của chuyên gia nước ngoài, không hứa hẹn rồi tái phạm nhiều lần. Tương tự, tại cuộc đình công của công nhân một công ty ở xã Cao An (Cẩm Giàng), công nhân cũng rất bức xúc bày tỏ về thái độ và hành động của nhóm CBQL việc ra vào. Vì lo sợ công nhân có thể lấy trộm đồ của công ty nên nhóm CBQL này thường xuyên khám xét người công nhân. Đáng nói là dù cán bộ là nam nhưng lại mặc nhiên khám xét công nhân nữ. Thậm chí họ còn lợi dụng việc khám xét để có thái độ sàm sỡ nữ công nhân…
Vừa qua, nhiều công nhân Công ty TNHH Nam Yang Delta tại khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) đã đình công. Trong số nhiều kiến nghị nêu ra, công nhân cho biết họ cũng rất bức xúc với cách giao tiếp, ứng xử của CBQL. Một số CBQL ở đây gọi công nhân là “mày” và chỉ cần có việc gì không hài lòng là sẵn sàng dọa đuổi việc công nhân. Ai không làm tốt, không làm đủ sản lượng đều bị mắng chửi ngay trong giờ làm việc. Trước kiến nghị về việc ứng xử thiếu tôn trọng của CBQL đối với công nhân, trong biên bản trả lời người lao động, công ty phải nêu rõ không cho phép các CBQL xúc phạm người lao động và đã có các văn bản gửi đến các phòng ban nghiêm cấm việc xúc phạm người lao động. Nếu công nhân bị bất kỳ CBQL nào xúc phạm có thể thông báo về phòng nhân sự.
Làm sao để quan hệ hài hòa?
Tại Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (Thanh Hà), tháng 7-2012 cũng từng xảy ra đình
công do công nhân bị chủ quản là người nước ngoài đánh đập
Thái độ ứng xử thiếu tôn trọng của CBQL đối với công nhân phải được loại bỏ. Đây là một tư duy xấu, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người lao động. Cụ thể là trường hợp của chị Xuyên kể trên. Nhiều ngày sau khi sự việc xảy ra chị Xuyên chán nản. Thậm chí chị đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Nhưng đã ngoài 30 tuổi cộng với việc chẳng có kỹ năng gì khác ngoài công việc đang làm nên chị Xuyên đành ở lại làm việc mà lòng nặng trĩu ưu phiền.
Người lao động đi làm nhưng không hài lòng về mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp hiện đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Theo thống kê, những năm gần đây số doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa chỉ chiếm khoảng 50% trong tổng số những doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở. Ngoài các lý do khác, phải chăng thái độ ứng xử, giao tiếp trong doanh nghiệp cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc đăng ký đạt chuẩn văn hóa? Theo một khảo sát vào giữa năm 2016 của Liên đoàn Lao động tỉnh, có 1,25% số công nhân được hỏi cho rằng mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp kém, một phần không nhỏ trong số người được hỏi còn lại cho là trung bình. Kết quả này không rõ đã phản ánh khách quan tình hình chưa?
Trong xu thế phát triển chung của xã hội, hiện nay chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Trong đó đáng chú ý là nguyên tắc ứng xử trong quan hệ giữa chủ sử dụng và người lao động. Nguyên tắc này cần được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe ý kiến của nhau, cam kết thực hiện đúng những điều đã thỏa thuận. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần có nội quy về giao tiếp, ứng xử. Thậm chí nội dung này cần được thể hiện trong bản thỏa ước lao động tập thể. Tổ chức công đoàn cần giám sát quá trình thực hiện. Người lao động phải làm tốt công việc của mình để tránh tối đa bức xúc trong công việc… Bởi mối quan hệ lao động tốt đẹp là một trong những yếu tố quan trọng để người lao động gắn bó và hết lòng với công việc, thúc đẩy sản xuất phát triển.
NGỌC THANH