Có thể đọc hiểu các văn bản phức tạp bằng tiếng nước ngoài, giao tiếp trôi chảy với người nước ngoài không bao giờ là thừa đối với cán bộ.
Khi thảo luận dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ tại Hội nghị Tỉnh ủy vừa qua, một vấn đề được khá nhiều người quan tâm là yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với cán bộ. Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra yêu cầu “cán bộ sinh từ năm 1985 trở lại đây phải đạt trình độ bậc 4 trong khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam” cần hết sức cân nhắc. Lý do là môi trường làm việc của Hải Dương không có nhiều cơ hội cho cán bộ sử dụng ngoại ngữ. Nếu yêu cầu bắt buộc phải đạt trình độ này thì hoặc cán bộ sẽ cố gắng bằng mọi cách có được chứng chỉ cho đẹp lý lịch chứ chưa hẳn thực chất đã sử dụng được ngoại ngữ như yêu cầu hoặc học để đạt trình độ nhưng rồi lại mai một vì không sử dụng đến. Cả hai tình huống đều dẫn đến lãng phí thời gian và công sức của cán bộ. Có ý kiến cho rằng trong tương lai, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có phương tiện, phần mềm giúp con người phiên dịch, nên ngoại ngữ không còn quan trọng như hiện nay.
Nếu chỉ nhìn ngoại ngữ như phương tiện làm việc với người nước ngoài thì những lo ngại trên không phải không có lý. Thực tế, cán bộ, công chức, viên chức khi được tuyển dụng đều có yêu cầu trình độ nhất định về ngoại ngữ, tin học. Đáng tiếc là rất nhiều chứng chỉ ngoại ngữ chỉ để đầy đủ hồ sơ tuyển dụng, khi cần dùng đến thì cán bộ không dùng được. Người ta lý giải vấn đề này do chất lượng dạy ngoại ngữ của ta có vấn đề, chỉ nặng về ngữ pháp, ít giao tiếp thực hành. Nhưng ngay cả khi đưa văn bản bằng tiếng nước ngoài chỉ để đọc hiểu thì nhiều người cũng không hiểu. Như vậy, việc cán bộ đạt trình độ A, B, C về ngoại ngữ (như cách đánh giá trước đây) nhiều khi chỉ là hình thức.
Vấn đề là nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, không thể cho rằng không có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài thì không cần ngoại ngữ. Cũng không nên trông chờ các phần mềm phiên dịch thay thế con người, bởi biết thêm một ngoại ngữ là có cơ hội biết thêm một nền văn hóa, hiểu hơn cách tư duy bằng ngôn ngữ và lối sống của nước ngoài. Đây mới chính là cơ hội để hợp tác, phát triển. Tôi đã từng đọc các văn bản dưới dạng chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia thông qua công cụ phiên dịch và hiểu rằng đến thời điểm này, phần mềm chưa thể thay thế con người khi chuyển ngữ những văn bản phức tạp.
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, ngoài tiếng mẹ đẻ thì tiếng Anh hoặc tiếng Pháp được coi như ngôn ngữ thứ hai của họ. Người ta học ngoại ngữ không chỉ để giao tiếp mà còn để đọc báo, tìm kiếm thông tin, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, nâng cao kiến thức của mình. Khi mà thế giới đang trở nên “phẳng” hơn thì ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chính là công cụ hữu ích.
Khi theo dõi trên truyền thông, thấy nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trả lời phỏng vấn báo chí bằng tiếng nước ngoài một cách trôi chảy, lưu loát, ta luôn có cảm giác rất tự hào. Thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ tự học thêm ngoại ngữ để tìm tài liệu chữa bệnh cho con mình, nhiều bạn trẻ bằng khả năng ngoại ngữ của mình đã tự tìm được học bổng du học nước ngoài. Nói như vậy để thấy học ngoại ngữ một cách thực chất đến trình độ có thể đọc hiểu các văn bản phức tạp bằng tiếng nước ngoài, giao tiếp trôi chảy với người nước ngoài không bao giờ là thừa đối với cán bộ.
HOÀI ANH