Cảm quan lớn trong một tâm hồn lớn

06/02/2016 06:51



Ngày 1-10-2012, Chính phủ đã quyết định công nhận tác phẩm "Ngục trung nhật ký"
(Nhật ký trong tù) của Bác là bảo vật quốc gia


Bác Hồ, vị lãnh tụ của dân tộc ta, vốn sinh ra, lớn lên từ gia đình nho học. Tự thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên thời niên thiếu của Bác) từng được cụ cử Vương Thúc Quý, thầy dạy chữ nho đem lời ca ngợi.

Chuyện kể là một hôm, một học trò được thầy sai thắp lửa, chẳng may cậu để dầu vương ra đế đèn mấy giọt. Thấy vậy, cụ cử liền ra ngay vế đối:

Thắp dầu lên, giọt vương ra đế

Một học trò liền đứng lên, đối lại:

Đốt nhang rồi, gió quạt tàn bay

Cụ cử trầm ngâm một lát, đầu khẽ lắc. Cụ chê ở cái ý “bi” mang nghĩa tiêu tan, mất mát qua hình ảnh “gió quạt, tàn bay”. Ngay lúc ấy, Nguyễn Sinh Cung liền xin thầy cho mình được ứng đối. Rồi, cậu dõng dạc đọc:

Cưỡi ngựa dong, thẳng Tấn lên Đường

Cậu Nguyễn vừa đọc xong, cụ cử liền cười vui, tấm tắc. “Được. Được. Thắp dầu lên, giọt vương ra đế đối với Cưỡi ngựa dong, thẳng Tấn lên Đường. Ồ! Được! Mà, hay nữa đấy. Bởi, Tấn và Đường là hai triều đại phong kiến Trung Quốc. Tấn còn có nghĩa là tiến. Đường là con đường hướng tới. Thẳng tiến lên đường…Vế đối khỏe, sáng. Một khẩu khí thật mạnh".

“Văn học là nhân học”. Có thể nói, ngay tự thời xa ấy, Bác Hồ vĩ đại của chúng ta đã sẵn mang một cảm hứng với cảm quan lớn trong cái nhìn, cái nghĩ cao rộng.

Trong suốt cuộc đời cống hiến, hy sinh cho đất nước, Bác Hồ thường khiêm tốn nói rằng: Bác làm thơ để làm cách mạng. Với 22 bài “Thơ chúc Tết” Bác viết vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, 133 bài ở “Ngục trung nhật ký”, viết trong 14 tháng khi bị giam cầm ở nhiều nhà tù của Tưởng Giới Thạch, thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh mang cái nhìn riêng biệt. Khác hẳn với quan niệm một thời của các thi nhân cũ, rằng “Cổ thi thiên ái, thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp)... Những câu thơ Bác viết vẫn tựa vào ngoại giới, tựa vào thiên nhiên, nhưng cảm quan không nhỏ nhoi, vụn vặt. Không dừng lại ở nét điểm tô trước lung linh cảnh vật bên ngoài. Không giống như nhiều tiếng khóc than mà ai đó tự tố lên những bi thương. Những gặm nhấm buồn vui quẩn quanh trong cuộc đời chật hẹp. Vào xuân, Bác Hồ mừng Tết độc lập đầu tiên của đất nước (sau Cách mạng Tháng Tám 1945) đôi câu đối chúc Tết toàn dân, Bác viết:

RƯỢU Cộng hòa, HOA Bình đẳng, mừng Xuân Độc lập
BÁNH Tự do, GIÒ Bác ái, ăn Tết Dân quyền


Hoặc trong bài thơ “Hỏi trăng” viết ở chiến khu Việt Bắc, câu thơ của Bác là sự chiêm nghiệm, nghĩ suy trước thế sự rộng dài:

Nước nhà giành lại nhờ gan sắt
Sự nghiệp làm nên ở chữ đồng


Rõ ràng, cũng là tình yêu đấy. Nhưng nó được bắt nguồn và phát lộ từ nhãn quan lớn với chiều sâu của ý thức, của sự quan tâm từ trái tim thi sĩ khi đi giữa năm tháng cõi người.

Sách Mai Đình mộng ký viết: “Chỉ có kẻ đại giác mới có đại mộng”. Thật vậy, trái tim Bác Hồ luôn đập cùng đất nước. Nỗi lo và niềm vui của Người luôn thuộc về số phận của dân tộc ở từng bước vượt mình.

Thi sĩ Pita Rodrighes của đất nước Cuba nói rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn, bởi, chúng ta chỉ cần đọc và dừng lại ở bốn câu thơ Người viết:

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm qua cửa ngắm nhà thơ

Vâng! Một cảm xúc thật mênh mang, dào dạt. Ở đây, thiên nhiên ngoài song cửa nhà tù với vầng trăng ấy, ánh trăng thơ mộng ấy cùng trái tim thi sĩ đã chảy tràn, thấm đẫm vào nhau trong sự tan hòa, ngỡ không còn nhìn ra ranh giới. Rồi bởi người ngắm trăng đâu giống kẻ thênh thang được thả hồn trên lâu đài, khuê các. Bác Hồ, một trái tim đang ngồi trước song sắt nhà lao, một con người đang bị giam cầm. Nhưng, ở đây, không gì giam cầm và bẻ gãy nổi niềm mê đắm, một tình yêu thiên nhiên trước trái tim Người đang cảm rung mãnh liệt.

Rồi, một Xuân kháng chiến, vị lãnh tụ vĩ đại ngồi đọc công văn, chỉ thị, ban bố lệnh đánh giặc, Người cảm hứng thốt lên: “Phê trát xuân hoa, chiếu nghiễn trì” (Phê công văn, thấy đóa hoa xuân soi bóng trong nghiên mực). Ở đây, hình ảnh gợi: Vị Tổng tư lệnh tối cao là Bác trước bộn bề mặt trận đang dồn lên tiếng gọi với cảnh nghiên bút, hoa xuân, thật thi vị lạ lùng. Đầu xuân 1948 (rằm tháng giêng, Tết Nguyên tiêu năm ấy, sau thắng lợi lớn giành được của quân dân ta ở chiến dịch thu đông, 1947), cảnh “Yên ba thâm xứ đàm quân sự” (Giữa dòng bàn bạc việc quân của Bác) thì “thơ và Người thơ” ở đây càng gợi lên cái nhìn trong cái lớn lao, to tát mà lung linh, thi vị dường nào!

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền


Đúng là một bức tranh tuyệt mỹ. Một dòng sông trăng. Một con thuyền chở đầy trăng với các chỉ huy, tướng lĩnh “đêm luận đàm quân sự”, luận đàm việc đánh giặc, cứu nước, cứu nhà… Câu thơ đẹp mà hào hùng, chan chứa một cảm quan thế sự. Một cảm quan về thời cuộc, về Đất nước - Con người.

Một bài thơ “tứ tuyệt” trong rất nhiều khoảnh khắc thi hứng được xuất thần từ tâm thế trước những thi liệu, qua va đập, phát sáng. Đây là hiện thân của bóng hình Bác Hồ, vị lãnh tụ thật yêu thương, tôn kính. Một thi sĩ lớn trong hình ảnh tự sự và tự bạch của “nhà thơ cách mạng”.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà


Quả tình, đất nước và trái tim con người hòa quyện trong những câu thơ Bác viết. Thơ làm sáng dậy một chân dung lãnh tụ mang hồn thơ vĩ đại. “Bác Hồ làm thơ để làm cách mạng”. Chỉ đọc những câu thơ được dẫn ra trên đây, không gì khác, thơ Bác là tất cả những gì được hun đúc, hội tụ và tỏa rạng từ sức thăng hoa, phát sáng của tâm hồn, trí tuệ trước “cảm quan lớn” trong một “tâm hồn lớn”.

KIM CHUÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảm quan lớn trong một tâm hồn lớn