Những tác phẩm tham gia cuộc thi chất chứa cảm xúc về mái trường thân yêu, nơi sớm chiều được tiếp xúc, trao đổi với thế hệ trẻ...
Cuộc thi sáng tác thơ với chủ đề “Những kỷ niệm không quên về nhà trường và hoạt động của Hội Cựu giáo chức” do Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh phát động trong 2 năm 2017-2018 đã nhận được 287 bài thơ của các tác giả là cán bộ, hội viên.
Những tác phẩm tham gia cuộc thi chất chứa cảm xúc về mái trường thân yêu, nơi sớm chiều được tiếp xúc, trao đổi với thế hệ trẻ, những người có khát vọng vươn lên, nuôi dưỡng biết bao hoài bão, ước mơ:
“Trí tuệ bao người từ muôn nẻo xa xôi/Em chắt lọc gửi vào trang giáo án/Phấn trắng, bảng đen ấm áp lời em giảng/Là hành trang vào nghề các thế hệ học sinh”
(Nguyễn Thị Lý - bài Viết về em người giáo viên sư phạm)
Vì sao các nhà giáo rất say sưa và âm thầm làm những việc trên? Phải chăng họ đã hiểu rất rõ công việc họ đang làm:
“Sự nghiệp trồng người một đời gắn bó/Những chuyến đò thầm lặng chở mùa xuân”
(Trương Thị Quyên - bài Hoài niệm)
Để làm nên niềm tự hào của người thầy, các nhà giáo đã đổ biết bao mồ hôi, công sức, trong đó có cả những giọt nước mắt, lao tâm, khổ trí vượt qua những khó khăn, thách thức và nhanh nhạy làm tốt những việc:
“Rạng rỡ quốc gia nhờ sự học/Vinh quang dân tộc bởi công thầy”
(Nguyễn Văn Ga - bài Nghiệp thầy)
Thực tế cho thấy các thành viên của Hội CGC hôm nay khi còn đứng trên bục giảng đã đem tất cả sức trẻ để làm những công việc:
“Lặng lẽ, âm thầm, không cần vinh danh tên tuổi/Sống hết mình cho thế hệ mai sau”
(Đặng Xuân Lục - bài Bài thơ tặng thầy)
Khoảng cách thời gian xa mái trường thân yêu đã bao năm gắn bó của mỗi người tuy khác nhau nhưng hình ảnh về mái trường và những việc mà họ đã làm thì khó có thể phai mờ trong tâm trí:
“Nghề của mình cao quý biết bao nhiêu/Nguyện giữ trọn dù còn hay đã hết”
(Phạm Thị Miên - bài Niềm tin gửi lại)
Mối quan hệ thầy trò giữ vai trò nòng cốt. Mối quan hệ này không chỉ tồn tại trong không gian, thời gian ngồi trên ghế nhà trường mà thấm sâu vào tâm trí của mỗi người cả thầy và trò trong suốt hành trình của cuộc sống"
“Dù cho vật đổi sao dời/Gương thầy tôi giữ trọn đời không quên”
(Phạm Bằng - bài Thầy tôi)
Vì sao người thầy lại có vinh dự được đón nhận những món quà tinh thần cao quý ấy? Câu trả lời ngắn gọn nhất là người thầy đã biết đem cái lao động vinh quang của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng tương lai thông qua những trang giáo án trong các giờ lên lớp và sự ân cần dạy bảo hằng ngày:
“Thầy không dạy chữ đơn thuần/Dạy trò lẽ sống nghĩa nhân làm người/Làm hành trang bước vào đời/Tinh hoa đất nước, rạng ngời Việt Nam”
(Nguyễn Minh Hòa - bài Về thăm thầy cũ)
Công việc của người thầy giống như người lái đò với những nhịp cầu đưa khách qua sông. Giá trị lớn lao của những tri thức làm nên những con đò, cây cầu ấy đã tạo ra nền móng cho lớp lớp học trò biết nối liền quá khứ với hiện tại và tạo đà vươn tới tương lai:
“Qua những con sông, qua những nhịp cầu/Em luôn nhớ cây cầu thầy bắc/Cây cầu ấy có độ bền vững chắc/Vấp ngã cuộc đời em vẫn vịn vào đây”
(Hoàng Kim Kỷ - bài Ơn thầy)
Tính hấp dẫn trong các hoạt động của Hội CGC được dệt lên không phải bằng những hoạt động ồn ào, phô trương về hình thức, mà cái cốt lõi là sự đằm thắm mang nặng tính chất nghĩa tình, đạm bạc và thanh tao:
“Mỗi lần gặp mặt một lần say/Nâng cốc chúc nhau vạn điều hay/Khỏe - vui - hạnh phúc và trường thọ/Bóng cả - cây cao - dáng thẳng ngay”
(Phạm Quỹ Tích - bài Mỗi lần gặp mặt)
Các hội viên đều cảm nhận thấy Hội CGC là mái ấm gia đình, là nghĩa tình đồng nghiệp thủy chung, là bạn bè cùng nhau hái “chùm khế ngọt”, là những vận động viên, cổ động viên trên sân bãi bóng chuyền hơi, đôi khi lại là “đối thủ” trên bàn cờ tướng, hoặc là bạn hữu trong những lúc thưởng thức ca nhạc... Nhờ có tính phong phú, đa dạng ấy mà nhà giáo Đoàn Xuyến mới cảm tác:
“Hội Cựu giáo chức một vườn hoa/Tỏa hương thơm ngát, bài ca tình đời/Cùng nhau giữ trọn lời nguyền/Tấm gương giáo chức lưu truyền sử xanh”
(bài Tấm gương nhà giáo nghỉ hưu)
Những bài thơ đầy ắp tính nhân văn làm rung động trái tim của những con người không chỉ là hội viên CGC. Phải chăng cái cốt lõi của những tứ thơ ấy được tạo dựng bởi hồn thơ của những con người đã dành phần lớn cuộc đời cho sự nghiệp “Trăm năm tính chuyện khéo tay trồng người”. Họ luôn tâm niệm trong tâm trí mình cái triết lý của nhà giáo dục vĩ đại A.K Macarenco “Giáo dục con người thực chất là giáo dục tình cảm”. Có thể nói từ thực tiễn các hoạt động của hội, tôi nghiệm ra rằng: Cựu giáo chức - ngôi nhà thân thương quá/Xây cuộc sống trọng nghĩa tình cao cả/Ta tự hào - cựu giáo chức Việt Nam.
PHẠM NGUYÊN THẢO