Hành trình sống xanh hoàn toàn không đơn giản, nếu không muốn nói là một thách thức rất lớn đối với mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia.
Sống xanh mang lại nhiều lợi ích
Bây giờ, chúng ta không còn xa lạ với khái niệm sống xanh - sống thuận thiên. Bởi sau một hành trình dài chạy đua phát triển kinh tế - xã hội bằng mọi giá, chúng ta đã và đang trả giá quá đắt về sự hủy hoại môi trường thiên nhiên lẫn môi trường xã hội. Và loài người đã thức tỉnh khi đồng lòng cam kết giảm phát thải ròng khí độc hại về 0 vào năm 2050.
Điều đó có nghĩa là từ nay đến giữa thế kỷ này, gần như cả thế giới tập trung vào mục tiêu "trung hòa carbon", bảo đảm sự cân bằng giữa lượng carbon thải ra môi trường với lượng carbon được thiên nhiên hấp thu trở lại.
Như vậy, "trung hòa carbon" đã trở thành tiêu chí của sự phát triển thuận thiên. Những ai sống theo tiêu chí ấy chính là sống thuận thiên, nôm na là sống xanh.
Thế nhưng hành trình sống xanh hoàn toàn không đơn giản, nếu không muốn nói là một thách thức rất lớn đối với mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia.
Bởi lâu nay chúng ta đã quá quen với lối sống "hưởng thụ vô tư - vô lo", sản xuất quá nhiều, tiêu thụ quá nhiều, xả thải quá nhiều… Cả hành tinh đã quá tải và hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang gây ra biết bao thiệt hại trước mắt lẫn lâu dài.
May mắn là loài người kịp thức tỉnh và vẫn còn có thể sửa sai từ bây giờ. Đáng mừng là rất nhiều bạn trẻ đã sớm giác ngộ "sống thuận thiên", sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, du lịch xanh để góp phần phát triển kinh tế xanh, cùng vun đắp cho hành tinh xanh.
Tất nhiên đó phải là những câu chuyện xanh thật, chứ không phải chạy theo trào lưu xanh hóa mọi thứ hay cố tình tạo ra lớp vỏ xanh giả để che khuất cái ruột xám/nâu/đen (gây hại môi trường). Cam kết thật phải đi với hành động thật mới tạo ra kết quả thật!
Việt Nam đã ký vào bản cam kết "giảm phát thải ròng về 0" tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26), xem như không còn sự lựa chọn nào khác mà phải bắt tay hành động để đạt được mục tiêu Việt Nam xanh vào năm 2050.
Theo Tuổi trẻ