Những năm qua, nông dân Cẩm Giàng đã chủ động khai thác tiềm lực về đất đai và lao động để đưa trang trại (TT) thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Nuôi cá "sông trong ao" của gia đình anh Nguyễn Hữu Việt ở thôn Bằng Quân, xã Cẩm Định là một trong những mô hình mới của huyện Cẩm Giàng
Những mô hình mới
Cũng chọn TT để phát triển kinh tế, nhưng thay vì cách làm truyền thống thì một số nông dân ở Cẩm Giàng đã tìm ra được hướng đi riêng. Họ không sợ thất bại, không quản khó khăn để thực hiện một số mô hình mới, lạ. Trong hàng vạn hộ nuôi lợn của tỉnh, đến nay chỉ có duy nhất anh Nguyễn Văn Dân ở thôn Lương Xá (xã Lương Điền) chọn phương pháp nuôi lợn bằng thảo dược. Lợn từ khi sinh ra đến khoảng 40kg vẫn được chăm sóc theo chế độ thông thường. Sau đó, thay vì dùng cám công nghiệp, anh Dân cho lợn ăn cám gạo, ngô kết hợp với một số thảo dược đã được xay thành bột như hoa hồi, quế chi, bột cá... Anh Dân cho biết: "Do kết hợp thức ăn truyền thống với thảo dược nên lợn chậm lớn hơn so với nuôi bằng cám công nghiệp. Nhưng bù lại lợn ít bị bệnh và thịt thơm ngon hơn. Mặc dù thị trường thường xuyên biến động nhưng giá bán lợn của gia đình tôi vẫn ổn định. Tôi đang có ý tưởng mở rộng quy mô chăn nuôi để nhiều người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm sạch".
Mô hình nuôi cá "sông trong ao" có nhiều ưu điểm nên anh Nguyễn Hữu Việt ở thôn Bằng Quân (xã Cẩm Định) đã áp dụng. Mặc dù chi phí cho mô hình này cao hơn cách nuôi thông thường bởi phải đầu tư máy bơm, máy hút chất thải của cá và kiến thiết lại hệ thống ao, nhưng nguồn nước lưu thông thường xuyên, phơi ao sau mỗi lần nuôi, chi phí thức ăn giảm. Từ 2 mô hình "sông trong ao" ban đầu, đến nay anh Việt đã có thêm 3 mô hình nữa. Sau một thời gian nuôi, anh Việt khẳng định: "Cùng một diện tích như trước đây nhưng số lượng cá nuôi gấp đôi, cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách nuôi thông thường".
Hiệu quả cao
Trang trại tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Xuân Đại ở thôn Trại Mai Trung, xã Tân Trường cho lãi 300 triệu đồng/năm
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, huyện hiện có 46 TT đã được cấp giấy chứng nhận, ngoài ra còn hàng trăm mô hình TT và gia trại khác. Mặc dù các TT trong huyện chỉ sử dụng 0,2% diện tích đất nhưng đóng góp đến 30% giá trị cho ngành nông nghiệp. Mỗi TT giải quyết việc làm cho từ 3 - 10 lao động với thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nhưng các TT đều làm ăn có lãi, doanh thu mỗi TT đạt từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi từ 50 - 300 triệu đồng. Trong đó, TT chăn nuôi kết hợp thủy sản lãi nhiều nhất, từ 200 - 300 triệu đồng/TT. TT của gia đình anh Nguyễn Xuân Đại ở thôn Trại Mai Trung (xã Tân Trường) rộng 6.000 m2, đi vào hoạt động từ năm 2010, là một trong những TT đạt hiệu quả kinh tế cao ở huyện Cẩm Giàng. Hiện nay, ngoài 8.000 con gà siêu trứng, anh Đại còn nuôi 3.000 con ngan, vịt đẻ lấy trứng làm con giống và nuôi thêm ngan, vịt thịt, thả cá. Mỗi năm, TT của gia đình anh thu lãi 300 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 10công nhân với thu nhập từ 6- 8 triệu đồng/người/tháng. Anh Đại cho biết: “Do chăn nuôi lâu năm nên tôi có kinh nghiệm về thị trường, biết điều chỉnh quy mô chăn nuôi hợp lý nên TT của gia đình không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, tôi lựa chọn phương pháp chăn nuôi an toàn, sản xuất theo quy trình sạch nên sản phẩm vẫn được người tiêu dùng tin tưởng”.
Đạt được kết quả trên là do những năm qua, huyện Cẩm Giàng đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế TT. Huyện lập đề án cụ thể và hướng dẫn người dân chuyển các vùng ruộng trũng cấy lúa bấp bênh, không hiệu quả sang làm TT. Các cơ chế hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đều được huyện triển khai đến cơ sở và tích cực hướng dẫn người dân thực hiện. Để giải quyết khó khăn về vốn, huyện đề nghị các ngân hàng trong huyện tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp chăn nuôi tiến bộ được người dân ứng dụng. Huyện cũng quan tâm hướng dẫn người dân xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 1.500 hầm biogas. Nhiều năm liền, Cẩm Giàng không xảy ra tình trạng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Để TT thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm tới, huyện Cẩm Giàng tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên về đất đai, vốn, khoa học, kỹ thuật cho những nông dân đầu tư vào lĩnh vực này. Tăng cường liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Tiếp tục khuyến khích người dân nghiên cứu, tìm tòi, đưa các mô hình mới, đạt hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
NGỌC THỦY