Cẩm Giàng phấn đấu đến năm 2015 trở thành huyện công nghiệp

18/01/2010 08:10

Với những cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện góp phần đưa Cẩm Giàng trở thành huyện phát triển mạnh về kinh tế, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm; phấn đấu đến năm 2015 Cẩm Giàng trở thành huyện công nghiệp.


Giao thông thuận lợi đã góp phần tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện Cẩm Giàng

Nằm ở phía tây TP.Hải Dương, có hai tuyến quốc lộ (5A, 38) và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, Cẩm Giàng là huyện có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Người dân Cẩm Giàng cần cù, chịu khó, anh hùng bất khuất trong chiến tranh, năng động, nhạy bén trong xây dựng và phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới. Nhớ lại hơn 80 năm về trước, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và sự nhu nhược của triều đình phong kiến, 4.545 người dân Cẩm Giàng đã bị chết trong nạn đói năm 1945, trong đó 96 gia đình chết hết vì đói. Cuối năm 1944 tại thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập với 4 đảng viên. Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã đề ra các chủ trương, biện pháp củng cố và lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh đạo nhân dân địa phương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 17-8-1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện Cẩm Giàng đã lãnh đạo nhân dân chăm lo xây dựng, củng cố chính quyền, đoàn thể; phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phát động phong trào cách mạng quần chúng; quan tâm công tác xây dựng Đảng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ hy sinh, nhiều đảng viên vẫn kiên trung, bám đất, bám làng, phát triển lực lượng, chỉ đạo phong trào kháng chiến, lập nên nhiều chiến công vang dội: du kích sông Mao bắn rơi máy bay Mỹ; phụ nữ Kim Giang với "đòn gánh đánh Tây"; đặc biệt là những chiến công giòn giã trên tuyến đường sắt, đường 5A đã nâng tầm vóc Cẩm Giàng thành quê hương “Tiếng sấm đường 5” làm cho giặc Pháp khiếp sợ.

Qua hai cuộc kháng chiến, toàn huyện có 2.474 anh hùng liệt sỹ; 1.565 thương bệnh binh; 89 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 6 đơn vị và 2 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; huyện Cẩm Giàng vinh dự được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương các loại, đặc biệt được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Truyền thống hào hùng đó được Đảng bộ và nhân dân Cẩm Giàng tiếp nối trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này, đặc biệt là trong gần 25 năm đổi mới. Ngay từ khi mới xoá bỏ bao cấp, Cẩm Giàng đã là một trong những điển hình của miền Bắc trong đổi mới kinh tế HTX, xây dựng mô hình kinh tế tự chủ, tự hạch toán kinh doanh. Phát huy lợi thế thuận lợi về giao thông, Cẩm Giàng từng bước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng; tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. 5 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng dần từng năm (năm 2009 đạt 1.921 tỷ đồng, chiếm 67,3% cơ cấu kinh tế của huyện). Hai làng nghề truyền thống của huyện là làng nghề gỗ mỹ nghệ Đông Giao và nghề nấu rượu Phú Lộc không ngừng phát triển và mở rộng ra thị trường trong nước và quốc tế.

Là một huyện có diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do phát triển công nghiệp, Cẩm Giàng luôn tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp trên diện tích trên 4.000 ha còn lại. Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp là huyện đi đầu trong phong trào gieo vãi và cấy mạ sân, đồng thời lựa chọn nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lúa của huyện từ 120tạ/ha (năm 2000) lên 127,04 tạ/ha (năm 2009). 5 năm trở lại đây, Cẩm Giàng đã quy hoạch được các vùng sản xuất cây trồng chất lượng cao như vùng sản xuất lúa lai, đậu tương, bí xanh, vùng cà rốt an toàn tại hai xã Đức Chính, Cẩm Văn... Đến năm 2009, diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao đã chiếm 60% diện tích gieo cấy toàn huyện; giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp đạt 73 triệu đồng/năm.

Những cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện đã góp phần đưa Cẩm Giàng trở thành huyện phát triển mạnh về kinh tế, với bình quân thu nhập đầu người 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,3% năm 2009.

Song song với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Cẩm Giàng luôn quan tâm lãnh đạo chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân. Đến năm 2009, toàn huyện đã có 15 trong tổng số 19 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 41% số trường đạt chuẩn quốc gia; số học sinh thi đỗ đại học năm sau cao hơn năm trước; 2 năm trở lại đây, đã có 2 học sinh của huyện thi đỗ thủ khoa vào đại học; 61 trong tổng số 125 làng, khu dân cư văn hoá; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá" hằng năm luôn đạt trên 80%; hầu hết các địa phương đều xây dựng được các thiết chế văn hoá cơ bản như sân vận động, nhà văn hoá thôn, xóm, tủ sách pháp luật... Các di tích lịch sử văn hoá như: Văn miếu Mao Điền, Chùa Giám, Đền Bia... được trùng tu, tôn tạo phục vụ tốt nhu cầu tham quan và đời sống tinh thần của nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; chính quyền huyện 5 năm 2001-2005 đạt trong sạch, vững mạnh, năm 2006 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Những năm gần đây, Đảng bộ huyện không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; việc kiểm điểm, đánh giá tổ chức cơ sở (TCCS) đảng dần đi vào chiều sâu, kết quả thực chất hơn. Hằng năm có khoảng 80% số TCCS đảng trực thuộc Huyện uỷ đạt trong sạch vững mạnh, trong đó hơn 30% được Tỉnh uỷ biểu dương. Trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến làm theo lời Bác.

Thời gian tới, Đảng bộ Cẩm Giàng tập trung lãnh đạo chính quyền, nhân dân phát huy lợi thế của huyện cửa ngõ phía tây TP Hải Dương, có giao thông thuận tiện tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang phát triển công nghiệp, dịch vụ là chính; tập trung quy hoạch, xây dựng nông thôn mới đồng bộ, hiện đại; phấn đấu đến năm 2015 Cẩm Giàng trở thành huyện công nghiệp. Cùng với đó, huyện ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Cẩm Giàng nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung.

VƯƠNG ĐỨC SÁNG -Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Cẩm Giàng

(0) Bình luận
Cẩm Giàng phấn đấu đến năm 2015 trở thành huyện công nghiệp