Đến thời điểm này, trong số 2 tiêu chí kể trên, chỉ có duy nhất xã Cẩm Hoàng đạt được tiêu chí về thu nhập.
Nằm cạnh quốc lộ 5, lại có nhiều khu công nghiệp đứng chân trên địa bàn nhưng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Cẩm Giàng vẫn khó đạt các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Đến thời điểm này, trong số 2 tiêu chí kể trên, chỉ có duy nhất xã Cẩm Hoàng đạt được tiêu chí về thu nhập.
Đến nay, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) còn 8 tiêu chí nông thôn mới chưa đạt, trong đó có tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo
Xã nhiều tiềm năng cũng không đạtCẩm Điền là một trong những xã có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế của huyện Cẩm Giàng. Tuy diện tích đất phục vụ nông nghiệp không nhiều (120 ha) nhưng bù lại, xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi: nằm ven quốc lộ 5, thuận tiện cho việc giao thương buôn bán, phát triển các ngành nghề dịch vụ với quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, trên địa bàn xã có khu công nghiệp Phúc Điền đứng chân tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, kéo theo nhiều dịch vụ phát triển như xây nhà trọ cho công nhân thuê, buôn bán hàng tiêu dùng, thực phẩm. Nhiều hộ trong xã duy trì phát triển nghề mộc cho thu nhập cao, riêng thôn Hoàng Xá có khoảng 60% số hộ mở nhà xưởng. Những năm gần đây, khoảng 40% số lao động trong độ tuổi ở địa phương lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... cũng mang đến nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2011, thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Cẩm Điền đã khẩn trương quy hoạch, khảo sát, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, chia thành nhiều đợt. Thông qua các hội nghị của các đoàn thể như MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, đặc biệt là các cuộc họp thôn để tuyên truyền và phát động phong trào thi đua xây dựng NTM tới toàn thể nhân dân. Trong đó, nội dung được chú trọng nhiều nhất là những tiêu chí mang tính nội lực của dân như phấn đấu phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Không chỉ tuyên truyền, các đoàn thể trong xã còn tích cực giúp đỡ những hộ hoàn cảnh khó khăn các điều kiện về giống vốn, ngày công để phát triển sản xuất, xây, sửa nhà... Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp vào bậc nhất trong huyện cộng với sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền nhưng đến nay, Cẩm Điền mới đạt thu nhập ở mức 19 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 3,9%. Kết quả này vẫn chưa đạt được các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn xã NTM với các con số tương đương là 20 triệu đồng/người/ năm và 3,0%.
Mặc dù có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nhưng Cẩm Điền vẫn chưa đạt tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo.
Trong ảnh: Nghề mộc đang tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương
Không khó nếu như...Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Cẩm Giàng, đến thời điểm này, trong 2 tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, chỉ có duy nhất Cẩm Hoàng đạt được tiêu chí về thu nhập với mức 24 triệu đồng/người/năm. Riêng tỷ lệ bình quân hộ nghèo của huyện vẫn ở mức cao (chiếm 5,2% số hộ trong toàn huyện). Một số xã đạt trên 10 tiêu chí trong xây dựng NTM nhưng còn có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của huyện, cụ thể như Đức Chính 5,3%, Cẩm Định 6,22%... Ngoài ra, còn tỷ lệ khá lớn những hộ cận nghèo có nguy cơ trở thành hộ nghèo nếu kinh tế không được bảo đảm.
Trở lại "bài toán" thu nhập bình quân đầu người ở Cẩm Điền, tại sao Cẩm Điền được coi là xã có nền kinh tế phi nông nghiệp phát triển tốp đầu của huyện mà lại không đạt được tiêu chí về thu nhập? Theo cán bộ thống kê thì mức bình quân thu nhập theo đầu người của xã có thể cao hơn nhiều vì nhiều người, nhiều hộ không khai báo thật các khoản thu nhập hiện có, nhất là những hộ kinh doanh. Biết vậy nhưng xã cũng không có cách nào để điều tra được con số thực. Mặt khác, công tác thống kê cũng gặp khó khăn vì không có văn bản hướng dẫn nhất quán đối với thu nhập của những lao động trong gia đình nhưng làm việc ở địa phương khác, người hưởng các khoản trợ cấp đột xuất, định kỳ của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ... Những khó khăn này cũng tương tự ở các địa phương khác.
Một nguyên nhân nữa khiến mức thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo của huyện không đạt được theo tiêu chí NTM là do nền kinh tế của nhiều địa phương phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, năng suất và đầu ra cho nông sản thấp, bấp bênh, kéo theo mức thu nhập của nông dân khó tăng. Sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng gặp nhiều khó khăn, khiến thu nhập, đời sống của công nhân, lao động bị ảnh hưởng.
Thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo được coi là những tiêu chí phụ thuộc rất lớn vào nội lực kinh tế của từng xã. Đây là những tiêu chí khó nhưng lại không khó nếu như có sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân để hóa giải những khó khăn trên. Trước tiên, đối với những địa phương có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cơ giới hóa vào sản xuất để mang đến giá trị kinh tế cao nhất. Đẩy mạnh liên kết "bốn nhà" để bảo đảm năng suất và đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa của nông dân. Đối với những địa phương đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp cần quan tâm hỗ trợ vốn để người dân phát triển các nghành nghề sản xuất phù hợp. Quan tâm dạy nghề phù hợp cho những đối tượng không phù hợp vào làm trong các công ty, xí nghiệp. Trong quy hoạch đề án cần có hướng dẫn chi tiết, thống nhất trong việc thống kê các tiêu chí trên. Mở các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách ở các địa phương để nâng cao nghiệp vụ, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những địa phương làm tốt. Tích cực tuyên truyền để người dân không né tránh việc khai báo thu nhập của gia đình...
THANH NGA