Họ vừa phải bươn chải lo gánh nặng vật chất vừa chăm sóc con cái hằng ngày. "Trăm dâu đổ đầu tằm" khiến cuộc sống của họ đôi khi bế tắc, thiếu vắng nụ cười.
Hằng ngày phải chăm sóc chồng nên chị Bình không làm thêm được nhiều việc để kiếm tiền lo cho gia đình
Kinh tế khó khăn
Đưa chúng tôi thăm căn nhà còn thơm mùi vôi vữa nhưng chẳng có vật dụng gì đáng giá, chị Nguyễn Thị Bình (45 tuổi) ở xã Ninh Hải (Ninh Giang) nở nụ cười có phần kém tươi. Khi biết hoàn cảnh của chị, chúng tôi hiểu rằng ẩn sau nụ cười ấy là bao nhiêu lo toan. Đó là nỗi lo chăm chồng, chăm con, gánh nặng nợ nần đổ tất lên vai chị.
Câu chuyện buồn của gia đình chị Bình bắt đầu từ hơn 4 năm trước. Chồng chị Bình là anh Nguyễn Văn Bước nằm liệt giường sau một cơn bạo bệnh. Bao nhiêu tiền bạc trong gia đình dồn vào chữa chạy cho chồng. Bệnh của anh Bước không thể khỏi hẳn mà trí tuệ cũng như sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề. Hằng ngày, chị Bình phải giúp chồng trong mọi sinh hoạt cá nhân. Vừa chăm chồng vừa chăm 2 đứa con nhỏ nên chị Bình không thể xoay xở thêm việc gì khác để có thu nhập. Vậy là kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp người khuyết tật hơn 500.000 đồng/tháng của anh Bước. Thời gian gần đây, sức khỏe của anh Bước ổn định hơn nên những ngày mùa vụ chị Bình mới tranh thủ đi làm thêm chút ít. Cứ như vậy, cuộc sống của 4 người trong gia đình chật vật qua ngày.
Sau gần 10 năm sống trong căn nhà cấp 4 chưa đầy 20 m2, vào cuối năm 2017 vừa qua, nhờ sự kêu gọi của một cha xứ, gia đình chị Bình đã được các Mạnh Thường Quân hỗ trợ một phần kinh phí xây nhà. Căn nhà mới khang trang lợp tôn lạnh, có phòng ngủ riêng cho bố mẹ và con cái khiến chị Bình cảm thấy như trong mơ. Nhưng sau niềm vui ấy là nỗi lo canh cánh bên lòng bởi ngoài được hỗ trợ hơn 50 triệu đồng, chị Bình phải đi vay đến 70 triệu đồng. Nhìn căn nhà mới, chị Bình tặc lưỡi: "Có chỗ ở tốt cho chồng, cho con là tôi mừng rồi. Còn nước đến đâu bắc cầu đến đấy. Giờ tôi cứ lo trả tiền lãi hằng tháng đã, còn tiền gốc thì tính sau dù tôi chưa biết làm gì ra tiền để trả nợ".
Cách đây gần 10 năm, chồng chị Lương Thị Huê ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) đột ngột qua đời. Anh ra đi để lại cho chị không chỉ nỗi đau mất chồng khi tuổi còn trẻ mà cả gánh nặng nuôi 2 đứa con thơ. Bằng đồng lương công nhân ít ỏi, phải chắt chiu lắm 3 mẹ con chị mới gắng gượng qua ngày. Con càng lớn, chi phí cho học hành và sinh hoạt càng tăng, chị càng khó xoay xở hơn. 3 năm trước, nhờ người thân hỗ trợ, chị mới xây được căn nhà cấp 4 nho nhỏ. Chị Huê bảo một mình chị vừa bận chăm con vừa đi làm chỉ đủ ăn lấy đâu ra tiền mua sắm nên bao nhiêu vật dụng trong nhà từ cái bếp gas đến bộ bàn ghế salon đã cũ sờn... đều do người thân hỗ trợ.
Gam màu tối trong tương lai con trẻ
Hội Phụ nữ tỉnh tặng quà phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn
Cái ăn hằng ngày còn phải lo thì lấy đâu ra tiền để cho con đi học. Đó là suy nghĩ của rất nhiều người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh trên. Cậu con trai lớn của chị Bình năm nay học lớp8 được miễn học phí do gia đình là hộ nghèo. Trong câu chuyện còn lấp lửng của chị Bình, chúng tôi nhận thấy rõ dự định của chị là sẽ cho con nghỉ học sau khi hết lớp 9. Như vậy, chị vừa không phải lo cho con đi học vừa có người hỗ trợ việc nhà.
Đó cũng là suy nghĩ của chị Phạm Thị Huyền ở xã Vạn Phúc (Ninh Giang). Chị vốn là mẹ đơn thân với 4 đứa con. Đứa lớn nhất năm nay 17 tuổi nhưng đã nghỉ học từ lâu để đi làm lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. 3 đứa nhỏ còn lại đứa học mẫu giáo, đứa vào cấp1 nhưng cuộc sống quá túng bấn khiến chúng còi cọc, nheo nhóc, thành tích học tập chẳng mấy khả quan. Chị Huyền bảo chị có đủ sức khỏe vào làm trong các công ty nhưng vì các con còn nhỏ cần có người chăm sóc nên chị chỉ có thể cấy mấy sào ruộng kiếm cái ăn qua ngày. Con đường đến trường của những đứa trẻ còn lại cũng trở nên chông chênh.
Hai đứa con của chị Huê đều học rất giỏi. Cô con gái lớn hiện là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Ước mơ của cô học trò ấy là đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia để có học bổng khi vào đại học. Như thế mới có thể tiếp tục giấc mơ học tập lên cao bởi em biết chắc chắn rằng mẹ không thể đủ điều kiện cho em vào đại học.
Phụ nữ vốn "chân yếu tay mềm" nên khi đặt cả gánh nặng gia đình trên vai thì khó khăn là điều khó tránh khỏi. Hơn ai hết, họ cần sự cảm thông và chia sẻ thiết thực của toàn xã hội. Hiện nay rất nhiều tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn... đã đẩy mạnh nhiều hoạt động chăm lo cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Đặc biệt, Hội Phụ nữ ở một số địa phương đã tổ chức các mô hình giúp đỡ phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo về cả vật chất lẫn tinh thần để chị em vượt qua khó khăn. Song bên cạnh sự hỗ trợ của xã hội, điều quan trọng nhất là bản thân những người phụ nữ ấy cần có nghị lực kiên cường, niềm tin vào cuộc sống để gây dựng tương lai tươi sáng cho các con.
NGỌC THANH