Cạm bẫy làm thêm

13/12/2014 06:08

Công việc làm thêm của sinh viên đang ngày càng đa dạng, mở ra nhiều cơ hội. Nhưng nếu không biết tự bảo vệ mình, họ sẽ dễ lâm vào những cảnh ngộ dở khóc, dở cười.



PG là nghề hào nhoáng nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro

Nhiều nghề mới

Bùi Mạnh Tuấn đang tham gia quản lý một cửa hàng quần áo trên phố Tuy An (TP Hải Dương). Nhìn cách Tuấn điều hành cửa hàng như một ông chủ trẻ chuyên nghiệp không ai nghĩ cậu đang là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng du lịch và thương mại. Không chỉ quản lý cửa hàng này, Tuấn từng trải qua nhiều việc làm thêm khác ở các quán bar, cà phê với công việc pha chế và phục vụ bàn. “Em mơ ước sau này sẽ mở nhà hàng hoặc kinh doanh thời trang. Những việc làm thêm bổ sung cho em nhiều kiến thức mà em không được học ở trong trường”, Tuấn cho biết.

Nếu như trước đây, sinh viên ở TP Hải Dương chủ yếu làm thêm bằng cách dạy kèm học sinh tại nhà, phát tờ rơi, bưng bê, rửa bát tại các quán ăn, thì nay công việc phong phú hơn nhiều và cơ hội làm thêm cho họ tăng lên. Anh Thanh, chủ quán hải sản Cây trứng cá trên đường Trường Chinh cho biết: “Quán có nhu cầu tuyển sinh viên làm thêm vì số lượng nhiều, yên tâm về lý lịch. Sinh viên thường có sức khỏe tốt, trẻ, lại có trình độ văn hóa. Sau khi treo biển thông báo tuyển được vài ngày, đã có hơn chục bạn đến xin vào làm”. 

Bên cạnh những việc làm vốn có thì nay có những công việc “mới toe” như nghề làm PG (quảng bá các sản phẩm). Lương Thị Nga, sinh viên Trường Đại học Hải Dương là đội trưởng một đội PG, có thâm niên làm việc này 3 năm. Thấy nhu cầu ngày càng tăng, Nga đứng ra lập một đội gồm 20 sinh viên trong các trường chuyên nghiệp ở thành phố. Mỗi tháng, đội của Nga tham gia khoảng 10 chương trình giới thiệu sản phẩm cho các hãng điện thoại, bia rượu, xe máy... Công việc thường là mặc đồng phục của nhãn hàng, đạp xe hoặc diễu hành xe máy. Mỗi thành viên trong nhóm của Nga có mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, số tiền không nhỏ đối với các sinh viên.

Song song với việc có nhiều cơ hội làm thêm, cách tìm việc của sinh viên cũng dễ dàng hơn trước. Không còn cảnh chờ mỏi cổ ở các trung tâm tư vấn, sinh viên bây giờ chỉ cần một cú nhấp chuột là đã có cả một "kho" việc để lựa chọn. Nhiều sinh viên còn chủ động đăng tin tìm việc, giới thiệu chuyên môn của bản thân trên các trang mạng xã hội. Trần Thị Tâm, sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Hải Dương đã kiếm được công việc dạy kèm theo cách đó. Tâm kể: “Vì học chuyên ngành sư phạm nên mình muốn chọn việc làm thích hợp để nâng cao chuyên môn. Mình đã đăng ký thông tin lên mạng internet. Mấy ngày sau đã có phụ huynh gọi điện đến đề nghị dạy thử”. Chỉ với cách làm đơn giản đó Tâm đã kiếm được việc làm buổi tối với tổng thu nhập 2 triệu đồng/tháng.

Vô số rủi ro

Sự đa dạng của công việc cũng như những cách tiếp cận của sinh viên phản ánh sự năng động của các bạn trẻ ngày nay. Song đồng hành với đó là những rủi ro nếu không lường trước hoặc không có cách xử lý kịp thời.

Bùi Thị Tâm, sinh viên năm thứ 2 Trường Trung cấp Y tế Hải Dương phục vụ cho một nhà hàng trên đường Trường Chinh (TP Hải Dương) được một năm. Ở đây toàn khách đến ăn nhậu nên gây cho cô khá nhiều phiền toái. “Em rất hay bị khách chọc ghẹo. Nếu phản ứng mạnh thì bị mắng nhiếc, có những người còn góp ý không đúng với chủ quán. Có cả những người còn chờ đến hết giờ làm để rủ đi chơi”. Còn Trần Phương Thảo, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lại trớ trêu hơn. Thảo đi làm tại một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ vào các buổi tối bằng xe đạp. Khách đến quán rất đông nên Thảo phải để xe ra xa cửa. Chỉ trong vòng 3 tháng, Thảo đã 2 lần bị mất xe dù đã khóa cẩn thận. “Lương tháng không được bao nhiêu lại phải bỏ ra 700.000 đồng mua xe mới, em xót lắm nhưng không mua biết lấy gì để đi. Các bạn em đi làm thêm cũng có một vài người mất xe nhưng mất đến 2 lần trong thời gian ngắn thế thì chưa có. Đến mức anh chủ quán hứa nếu em mất xe thêm lần nữa anh ấy sẽ tặng cho mình một chiếc xe đạp khác”, Thảo chia sẻ với nụ cười méo xệch.

Đối với nghề PG mà Lương Thị Nga và các bạn đang làm, trông qua thấy có vẻ nhàn hạ nhưng thực ra khá vất vả và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các bạn gái làm PG thường cao ráo, xinh xắn, nhiều khi mặc đồng phục theo yêu cầu của nhãn hàng khá gợi cảm nên dễ bị buông lời chọc ghẹo. Vào dịp cuối năm thường có nhiều hợp đồng, nhưng trùng với các kỳ thi ở trường, nếu ham kiếm tiền, không biết sắp xếp thời gian thì việc học của các bạn ít nhiều bị ảnh hưởng.

Những tình huống rắc rối khi đi làm thêm có thể giúp các sinh viên có thêm kinh nghiệm về cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nhưng có những khi nó khiến các bạn trẻ trượt dài, không có cơ hội để làm lại. Trong thời gian đi làm thêm, Tuấn nhớ nhất trường hợp của một bạn gái tên My. Hoàn cảnh của My rất éo le. Bố mẹ chia tay, My về ở với ông bà ngoại. Sau khi thi đỗ vào một trường cao đẳng trên thành phố, My cũng đi làm thêm nhưng thu nhập chẳng được là bao nên My theo các chị trong xóm trọ đi tiếp thị rượu. Với làn da trắng, khuôn mặt ưa nhìn và một chiều cao lý tưởng nên có vẻ My rất có duyên với nghề, thu nhập cao, có nhiều mối quan hệ. Từ một cô gái nông thôn chân chất, My trở nên sành điệu với quần áo, điện thoại đắt tiền và những buổi tối tiệc tùng thâu đêm. Do đó, kết quả học tập của My giảm đi trông thấy. Việc phải học lại, thi lại nhiều khiến cô chán chường rồi bỏ học. Nhiều bạn của My đã bị bất ngờ vì sự thay đổi quá nhanh này của cô nhưng không thể khuyên can. Sau khi My nghỉ học, không ai biết cô đang làm gì, ở đâu nữa.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạm bẫy làm thêm