Ngày 18-12, Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ hai.
>>Đại tá Bùi Ngọc Phi giữ chức Ủy viên UBND tỉnh Hải Dương
>> Giảm phí bảo trì đường bộ đối với xe máy
>>Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV
>>Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư
Tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Buổi sáng, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe đồng chí Nguyễn Thành Công, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thành Công trình bày báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh
về việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Đoàn giám sát đã tiến hành hai giai đoạn: giám sát báo cáo của các cơ quan, đơn vị; giám sát trực tiếp tại một số sở, ngành, UBND cấp huyện; tiến hành điều tra xã hội học đánh giá hiệu quả thực tế công tác cải cách thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức... Kết quả, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã nghiêm túc triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2007-2010, đến nay, UBND tỉnh đã công bố công khai 1.521 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, bổ sung những thủ tục hành chính do các cơ quan trung ương mới an hành; sửa đổi, điều chỉnh những thủ tục chưa phù hợp theo thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ những thủ tục không khả thi... Riêng năm 2010, trong tổng số 1.521 thủ tục hành chính: đề nghị giữ nguyên 410 thủ tục hành chính và thông qua phương án đơn giản hóa 1.110 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Kết quả chỉ tiêu đơn giản hóa đạt khá cao: 73% (bao gồm các thủ tục hành chính, mẫu đơn, tờ khai hành chính và các yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ). Từ năm 2012 đến nay, đã công bố chuẩn hóa, thống nhất được 1.491 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, trong đó có 170 thủ tục hành chính dùng chung cấp xã, 232 thủ tục hành chính dùng chung cấp huyện và 1.089 thủ tục hành chính của các sở, ngành.
Các cấp chính quyền đã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các bộ thủ tục hành chính sau khi đã được đơn giản hóa, giúp cá nhân và tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin. Đa dạng hóa các hình thức công khai thủ tục hành chính tại các bộ phận giải quyết thủ tục theo cơ chế "một cửa" tại các sở, ngành... để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh việc triển khai thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" và "một cửa hiện đại". Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm công vụ trong việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trong thực hiện thủ tục hành chính...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính còn bộc lộ một số hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính còn hình thức, nội dung rộng, chưa tập trung vào một số nội dung cấp bách, quan trọng, thiết thực, va chạm nhiều với người dân nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự đồng tình, ủng hộ lớn trong xã hội. Vẫn còn một số lượng không nhỏ người dân, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hành chính qua "cò". Một bộ phận cán bộ lãnh đạo nhận thức chưa đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, chưa có sự quan tâm đúng mức, lơ là trong công tác thanh tra, kiểm tra. Việc chấp hành Đề án 30, Quyết định 93/2007/QĐ-TTg còn nhiều hạn chế dẫn đến việc xây dựng, thực hiện đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" chưa thống nhất trên toàn tỉnh...
Chế độ bồi dưỡng đối với những người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
|
Đồng chí Phạm Văn Tỏ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ đọc Tờ trình của UBND tỉnh về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và Tờ trình về chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù. Ảnh: Thanh Mai |
Tờ trình của UBND tỉnh về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh quy định như sau:
Đối với cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra thì được hưởng mức bồi dưỡng như sau: Nếu làm việc tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh; của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện sẽ hưởng mức bồi dưỡng 100 nghìn đồng/ngày/người. Khi làm việc tại trụ sở UBND cấp xã hưởng mức 60 nghìn đồng/người/ngày.
Đối với những cán bộ, công chức làm công việc trên mà đã được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra thì được hưởng mức bồi dưỡng 80 nghìn đồng/người/ngày.
Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp làm nhiệm vụ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao xử lý, xác minh, tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, được bồi dưỡng 50 nghìn đồng/người/ngày.
Thù lao cho những lãnh đạo chuyên trách tại các hội đặc thùTheo Tờ trình về chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù, mức thù lao cụ thể như sau:
Đối với các hội cấp tỉnh, chủ tịch hưởng hệ số 3,5 mức lương tối thiểu, phó chủ tịch hệ số 2,8. Đối với hội cấp huyện, chủ tịch hưởng hệ số 2,2 mức lương tối thiểu, phó chủ tịch hệ số 1,8. Đối với hội cấp xã, chủ tịch hưởng hệ số 0,6 mức lương tối thiểu.
Nếu được HĐND thông qua tại kỳ họp này, những quy định trong 2 tờ trình trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được giải quyết
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái trình bày báo cáo kết quả giải quyết ý kiến,
kiến nghị của cử tri sau khi họp thứ 5 và trước kỳ họp thứ 6
HĐND tỉnh nghe đồng chí Nguyễn Dương Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau khi họp thứ 5 và trước kỳ họp thứ 6.
Theo báo cáo tổng hợp của UBND tỉnh trước Kỳ họp thứ 6, HĐND khóa XV, đã có gần 50 ý kiến, nhóm ý kiến trong tổng số 102 ý kiến, kiến nghị của cử tri được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời.
Nhiều cử tri đề nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định pháp luật tới các đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp, khuyến cáo nông dân các địa phương cách nhận biết, chọn lựa, sử dụng đúng, hiệu quả các loại vật tư; tổ chức thống kê, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Sở đã kiểm tra, phân tích và phát hiện được 11/33 mẫu thức ăn chăn nuôi, 4/17 mẫu thóc giống, 1/20 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đạt tiêu chuẩn chất lượng; tiến hành kiểm tra 6 cuộc, xử phạt hành chính các đại lý, doanh nghiệp vi phạm 134 triệu đồng.
Cử tri xã Tân Trào (Thanh Miện) đề nghị sớm cấp kinh phí hỗ trợ dồn điền đổi thửa sau khi nghiệm thu. Ngày 13-9-2013, UBND tỉnh đã có Kế hoạch 1704/KH-UBND về việc dồn điền đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn. Theo đó, các huyện tổng hợp số liệu của các xã, báo cáo Sở NN-PTNT, Sở Tài chính xem xét để trình UBND tỉnh quyết định. Về ý kiến đề nghị nâng mức cấp lại phần kinh phí đấu giá quyền sử dụng đất cho xã để xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở liên quan tham mưu, đề xuất trình HĐND tỉnh xem xét, phê chuẩn.
Cử tri xã Gia Hòa (Gia Lộc) đề nghị nâng mức hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng lên 5 triệu đồng/ha. UBND tỉnh cho biết tình hình ngân sách của tỉnh khó khăn nên chưa xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ.
Về ý kiến của cử tri đề nghị nâng mức quy định cho phép diện tích được xây nhà trông coi trên đất chuyển đổi, UBND tỉnh khẳng định, diện tích nhà trông coi trên đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng được tỉnh quy định không vượt quá 20m2 là phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật. Những trường hợp đủ các tiêu chí theo quy định về quy mô trang trại, gia trại hoặc vùng chăn nuôi tập trung thì lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chứng nhận và sẽ được xây dựng nhà quản lý, chuồng trại, kho chứa vật tư… theo quy định của mô hình được cấp phép.
Trước các kiến nghị của cử tri xã An Lạc (Chí Linh), UBND tỉnh cho biết về biện pháp xử lý cây lâm nghiệp quá thời hạn để trồng cây mới, tỉnh sẽ căn cứ theo các quy định và kết quả kiểm tra cụ thể của Sở NN-PTNT để hướng dẫn xã An Lạc thực hiện. Về đề nghị cần quy định rõ ràng ranh giới rừng sản xuất và rừng phòng hộ, hiện tỉnh đang rà soát lại kết quả giao đất, giao rừng và lập hồ sơ quản lý bảo vệ rừng. Sau khi có kết quả cụ thể, Sở NN-PTNT sẽ cắm mốc để phân định rõ ranh giới các loại rừng. Về việc cử tri kiến nghị một số hộ dân lấn chiếm hồ Trại Nẻ, UBND tỉnh đang giao cho UBND thị xã Chí Linh xác định diện tích lấn chiếm để có phương án xử lý.
UBND tỉnh cũng đã giải quyết, trả lời nhiều ý kiến của cử tri về biện pháp chỉ đạo tăng cường hiệu quả kinh tế của vùng vải thiều Thanh Hà, về việc hỗ trợ các vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ thủy lợi phí...
Về một số ý kiến của cử tri đề nghị nâng mức hỗ trợ kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, UBND tỉnh giải trình, với mức hỗ trợ như hiện nay đã là cố gắng rất lớn của tỉnh trong điều kiện nguồn vốn khó khăn. Do đó chưa thể thực hiện việc nâng mức hỗ trợ xây dựng đường giao thông. Tỉnh sẽ xem xét cụ thể khi cân đối được nguồn vốn. Về đề nghị hỗ trợ nâng cấp các tuyến đường đang hư hại, xuống cấp ở một số địa phương, UBND tỉnh sẽ rà soát, xem xét, phân loại đường và chỉ đạo các ngành, các địa phương cân đối, bố trí nguồn vốn để khắc phục, sửa chữa, nâng cấp.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông đã được cử tri nhiều địa phương phản ánh nhiều lần và thực tế đã xảy ra một số vụ ẩu đả, đốt thuyền khai thác cát. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành công an, NN-PTNT, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, tài chính…; yêu cầu UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, nhân dân tích cực phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác cát trái phép; tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ cát lòng sông; chỉ đạo thực hiện thường xuyên công tác tuần tra, theo dõi, phát hiện các hoạt động khai thác, mua, bán trái phép... UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, nếu phát hiện vụ việc vi phạm có yếu tố hình sự thì chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố theo pháp luật.
Trước đề nghị của cử tri xã Ái Quốc (TP Hải Dương) về việc cho kiểm tra đề án sản xuất kinh doanh của Công ty CP VINAMIT, UBND tỉnh trả lời, dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và theo kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động từ cuối năm 2012. Tuy nhiên, theo giải trình của nhà đầu tư, lý do chậm tiến độ là do khó khăn về nguồn vốn, đang theo kiện một vụ tranh chấp thương mại khác. Nhà đầu tư đề nghị được gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến hết năm 2015. Đây là dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang được Chính phủ khuyến khích, vì vậy UBND tỉnh đã thống nhất đồng ý gia hạn cho nhà đầu tư.
Về bức xúc của cử tri trước tình trạng khai thác than trên địa bàn thị xã Chí Linh, UBND tỉnh cho biết, hiện nay chưa cấp giấy phép thăm dò, khai thác than trên địa bàn tỉnh cho đơn vị nào. UBND tỉnh vừa có văn bản báo cáo, đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cho thăm dò, khai thác than tại khu vực mỏ than Cổ Kênh (Chí Linh). UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng khai thác than trái phép.
Cử tri nhiều địa phương kiến nghị việc có nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, kiểm tra quy trình vận hành, đánh giá tác động môi trường của các dự án. UBND tỉnh đang chỉ đạo Công an tỉnh hoàn thiện hồ sơ để có biện pháp xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường của Công ty CP Hòa Phát (Kinh Môn); giao Sở NN-PTNT phối hợp, hướng dẫn, giám sát việc chấp hành các quy định và khắc phục các tồn tại về lĩnh vực môi trường của Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng, chi nhánh Hải Dương (Kinh Môn). Đối với một số dự án khác cử tri nêu, như Công ty CP Năng lượng Hòa Phát, dự án xi-măng Thành Công III (Kinh Môn)… tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra quy trình vận hành, lấy mẫu khí thải kiểm tra, phân tích. Qua đánh giá, các công ty trên bảo đảm quy trình vận hành theo quy định, mẫu khí thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép.
Về đề nghị tỉnh nâng mức kinh phí hỗ trợ xây dựng và mua sắm trang, thiết bị nhà văn hóa thôn, khu dân cư, UBND tỉnh cho biết, việc xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí cần đặt trong mối quan hệ tổng thể với mức hỗ trợ cho các chương trình mục tiêu khác đang thực hiện tại cấp xã, như xây dựng phòng học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn… Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp cùng các ngành liên quan, căn cứ khả năng ngân sách xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
Về việc tháo gỡ khó khăn cho các trường học khi dừng thu tiền dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học, tỉnh đã cân đối kinh phí chi sự nghiệp giáo dục cho các trường tiểu học hằng năm theo định mức 1,5 giáo viên/lớp (định mức cũ của tỉnh là 1,4 giáo viên/lớp) để tạo điều kiện cho các trường. Riêng các trường tiểu học có dạy các môn tự chọn (chưa được sử dụng làm cơ sở tính toán xây dựng định mức biên chế) có thể thỏa thuận với phụ huynh mức kinh phí thu góp để chi trả cho giáo viên dạy tự chọn, nhân viên phục vụ…
HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc giám sát chuyên đề trong năm 2014Về chương trình giám sát, theo tờ trình của HĐND tỉnh, năm 2014, ngoài giám sát tại kỳ họp, các Ban HĐND tỉnh sẽ tổ chức 3 cuộc giám sát theo chuyên đề. Trong đó, Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát tình hình nợ công của tỉnh; Ban Văn hoá - Xã hội giám sát việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh; Ban Pháp chế giám sát công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo tờ trình về chương trình xây dựng Nghị quyết năm 2014, tại 2 kỳ họp thứ 7 và thứ 8 trong năm 2014, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua 9 nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng về phát triển KT-XH, xây dựng chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ.
SỸ THẮNG