Cách xử trí khi trẻ bị sốt trong mùa dịch Covid-19

29/08/2020 18:10

Không cho trẻ đến bệnh viện ngay khi bị sốt mà cần theo dõi ở nhà, kiểm tra nhiệt độ, bù nước, dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.


Cho trẻ uống nhiều nước vì sốt thường làm trẻ mất nước. Ảnh: Kim Anh

Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Học viện Quân y 103, cho biết sốt là một phần của phản ứng miễn dịch tự nhiên trong cơ thể nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh, thường gặp nhất là ký sinh trùng và virus.

Sốt vừa có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân xấu vừa có những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe con người. Khi sốt dưới 38,5 độ, hệ miễn dịch trong cơ thể tăng cường hoạt động, kích thích khả năng đáp ứng miễn dịch và tiêu diệt kháng nguyên gây bệnh. Vì vậy, sốt nhẹ thì tốt.

Tuy nhiên, sốt trên 38,5 độ sẽ gây rối loạn cơ thể như mất nước, rối loạn chất điện giải, gây ra co giật, rất nguy hiểm đối với trẻ em và trẻ sơ sinh. Người bị sốt cao có thể gặp phải các tổn thương thần kinh khác, chẳng hạn như mê sảng, lú lẫn, suy kiệt, mệt mỏi, suy hô hấp...

Nguyên nhân gây sốt gồm cúm, nhiễm khuẩn, cảm lạnh, nhiễm khuẩn tiêu hoá, viêm tai giữa, viêm cầu thận, viêm nhiễm ngoài da...

Trong dịch Covid-19, nhiều cha mẹ lo lắng, chưa biết cách xử trí khi con bị ốm, sốt tại nhà. Bác sĩ Phúc cho biết không có phân biệt rõ ràng giữa sốt thông thường với sốt do Covid-19. Tuy nhiên, sốt thông thường do cúm thì sẽ sốt rất cao, đau mỏi, nhức đầu song không có tức ngực, khó thở. Còn với Covid-19, ngoài sốt còn kèm tức ngực, ho, khó thở.

"Trong thời gian này không nên đưa trẻ đến viện ngay, bởi có thể lây nhiễm thêm mầm bệnh khác, nên theo dõi tình trạng trẻ trong vòng 24 giờ", bác sĩ Phúc khuyên.

Bác sĩ Phúc cho biết nếu trẻ sốt, cha mẹ cần thực hiện một số biện pháp sau:

Đo thân nhiệt, giúp xác định tình trạng của bé ở các mức sốt nhẹ (37,5-38,5 độ C), sốt vừa (38,5-39 độ C), sốt cao và rất cao (trên 39 độ C). Trẻ sốt từ 38,5 độ trở xuống thì theo dõi tại nhà, không cho bé tiếp xúc với người khác tránh lây nhiễm cho cộng đồng và làm các biện pháp hạ sốt khác.

Nới rộng quần áo, ví dụ trẻ đang mặc áo dài thì nới ra để hở vùng da chân, da tay, da bụng, tạo điều kiện cho cơ thể hạ nhiệt.

Lau người bằng nước ấm hoặc nước mát. Trẻ nhỏ từ hai tuổi trở xuống nên lau bằng nước ấm. Trẻ từ 6 tuổi trở lên lau bằng nước mát, không phải nước lạnh. Hãy lau vào phần da hở và phần có mạch máu chính đi qua như cổ, nách, cánh tay, chân, bẹn, gáy, mặt, trán. Cứ một phút lau một lần, hoặc da khô là lau, lau tối thiểu 5 lần liên tiếp trở lên. Lau đến khi thấy da mát, không lau làm ướt tóc, ướt quần áo.

Có thể dùng miếng dán thoát hơi nước để hạ sốt, chườm thay khăn. Hiệu lực của miếng dán hạ sốt có tác dụng nhất định với trường hợp sốt thông thường, sốt không có biến chứng. Nó làm hạ nhiệt độ, giúp trẻ dễ chịu, nhất là vào ban đêm. Cha mẹ nên lau và đợi trán bé khô trước khi dùng miếng dán, không gỡ và dán lại nhiều lần. Đặc biệt, không cho miếng dán vào ngăn đá với mục đích làm mát thêm, bởi lớp gel trong miếng dán bị cứng, làm giảm diện tích tiếp xúc với da, giảm quá trình bay bơi nước.

Bù nước không có tác dụng hạ sốt trực tiếp nhưng gián tiếp hỗ trợ quá trình hạ sốt hiệu quả. Khi thiếu nước, cơ thể không thoát hơi nước, không giúp hạ nhiệt. Khi đủ nước, quá trình thoát hơi nước giúp cơ thể hạ sốt. Bù nước bằng uống oresol, nước hoa quả, sữa, nước lọc...

Tăng chất đạm trong bữa ăn như trứng, sữa, tăng vitamin như hoa quả, kẽm, vitamin C, ngủ đủ giấc, vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho bé.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ, một số loại thông thường như paracetamol sẽ hạ sốt tối ưu. Khi sử dụng thuốc cho trẻ cần theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

Bé sốt cao kèm các dấu hiệu như ho, khó thở cần đưa đến bệnh viện khám.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách xử trí khi trẻ bị sốt trong mùa dịch Covid-19