Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Ở nước ta, từ năm 1993 đến nay, việc xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu được thực hiện theo 4 phương pháp sau:
1) Xác định mức lương tối thiểu dựa vào nhu cầu tối thiểu của người làm công việc đơn giản nhất, chưa qua đào tạo, trong điều kiện bình thường và nhu cầu nuôi con, gồm:
+ Nhu cầu lương thực, thực phẩm: tính theo giá trị “rổ hàng hóa” cần thiết, bảo đảm nhu cầu ăn, uống hằng ngày (tối thiểu là 2.300 Kcal/ngày, theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế).
+ Nhu cầu phi lương thực, thực phẩm: là khoản chi phí cho nhu cầu tối thiểu ngoài lương thực, thực phẩm như nhu cầu về mặc, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa tinh thần, đóng góp bảo hiểm... Tỷ trọng này thường chiếm từ 45 - 55% chi phí cho nhu cầu tối thiểu của con người, tuỳ từng vùng lương.
+ Nhu cầu chi nuôi con của một người lao động: giả định mỗi người lao động có hưởng lương, phải nuôi một con, chi phí cho nhu cầu nuôi con chiếm khoảng 70% của người lao động (chi phí nhu cầu lương thực, thực phẩm của 1 trẻ em từ 4 - 6 tuổi khoảng 1.600 Kcal/ngày).
Mức lương tối thiểu được xác định từ phương pháp này ngoài việc đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động còn tính đến yếu tố nuôi con, chính là bảo đảm tái sản xuất sức lao động.
2) Xác định mức lương tối thiểu dựa trên cơ sở điều tra tiền lương, tiền công thấp nhất trên thị trường lao động mà các doanh nghiệp đang trả cho lao động giản đơn (không qua đào tạo) trong các doanh nghiệp (theo vùng, ngành, nghề và tính chất sở hữu). Mức lương tối thiểu xác định theo phương pháp này bảo đảm sát với thực tế thị trường lao động, nhưng chưa hẳn đã đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
3) Xác định mức lương tối thiểu dựa trên khả năng của nền kinh tế. Phương pháp này phải sử dụng các công cụ kinh tế lượng để dự báo, dựa trên số liệu thống kê vĩ mô hằng năm của cả nước và tương quan giữa mức lương tối thiểu và GDP bình quân đầu người theo từng thời kỳ để tính khả năng chi trả các mức tiền lương tối thiểu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế.
4) Tính theo tốc độ trượt giá sinh hoạt so với kỳ gốc của mức lương tối thiểu đã xác định. Mức lương tối thiểu được xác định theo phương pháp này chỉ đúng trong trường hợp mức lương tối thiểu tại kỳ gốc (nền) được tính đúng, tính đủ. Phương pháp này chỉ bảo đảm bù trượt giá, còn các yếu tố khác như năng suất lao động, nhu cầu đời sống con người ngày càng tăng... có thể chưa được tính đến.
Trong 4 phương pháp tiếp cận nêu trên, thì phương pháp dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động cho kết quả sát nhất (có lợi cho người lao động). Đây được coi là phương pháp tiếp cận chủ đạo để xác định mức lương tối thiểu, nhằm thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích người lao động. Nhưng việc triển khai thực hiện hằng năm theo phương pháp này khó khăn và tốn kém, nên thường áp dụng biện pháp điều chỉnh.
(Theo congdoanvn.org.vn)