Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, không có gì ngạc nhiên khi tiết kiệm tiền là một trong những mục tiêu được nhiều người đề ra khi bước vào năm 2023.
Bước sang năm mới, không ít người đặt mục tiêu tiết kiệm tiền nhiều hơn, tránh tiêu xài hoang phí
Tại nhiều quốc gia, chi phí xăng xe, đi lại, hàng tạp hóa và nhà ở tăng chóng mặt. Bất chấp nỗ lực của các chính phủ và tổ chức kinh tế, lạm phát liên tục tăng trong năm 2022.
Theo cuộc khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Numerator, gần 60% số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch tiết kiệm nhiều tiền hơn vào năm 2023. Họ ưu tiên điều này vì lo lắng về việc lạm phát và suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến túi tiền của mình.
CBS News gợi ý một số cách để mọi người tiết kiệm thành công trong năm mới.
Tích lũy từ khoản nhỏ, nhưng đều đặn
Jennifer Streaks, phóng viên tài chính cá nhân của Business Insider, cho rằng cách đơn giản nhất để đạt được mục tiêu là tự động hóa khoản tiết kiệm bằng cách sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, sau đó tăng cường đóng góp bất cứ khi nào có thể.
Bên cạnh đó, nhân viên có thể yêu cầu chủ lao động của họ gửi trực tiếp một phần nhỏ tiền lương của mình vào tài khoản tiết kiệm.
“Mọi người thường nghĩ rằng để tiết kiệm tiền phải bắt đầu với số tiền lớn. Tuy nhiên, điều cần thiết là thiết lập thói quen. Ngay cả khi chỉ tích cóp 50 USD/tháng, quỹ sẽ tăng lên theo thời gian”, Streaks khuyên.
Tiết kiệm từ khoản nhỏ và dần tăng khoản tích lũy là lời khuyên của chuyên gia trong lĩnh vực tài chính.
Theo dõi chi tiêu
Cuộc khảo sát từ trang web tài chính cá nhân The Ascent cho thấy 26% người được hỏi muốn tiết kiệm vào năm 2023 để xây dựng quỹ khẩn cấp. Những người khác cho biết họ muốn tích trữ tiền để thực hiện giao dịch mua tài sản như TV hoặc ôtô mới.
Theo Streaks, bất kể lý do là gì, việc lập bảng theo dõi để quản lý ngân sách hàng tháng là bước hữu ích đầu tiên để xây dựng kế hoạch tiết kiệm.
“Một khi thấy số tiền tích lũy tăng lên, mọi người sẽ muốn tăng khoản tiết kiệm của mình lên”, cô nói.
Theo Kimberly Palmer của NerdWallet, một nguyên tắc nhỏ là phân bổ 50% tiền lương cho phí sinh hoạt hành động, 30% tiêu theo nhu cầu, đồng thời tiết kiệm 20% thu nhập.
Giảm nợ, không tiêu pha quá mức
Trong số những người Mỹ dự định đưa ra giải pháp tài chính trong năm nay, 32% nói rằng họ muốn giảm gánh nặng nợ nần, theo nghiên cứu từ Fidelity Investments. Điều đó đi đôi với 39% muốn tiết kiệm nhiều hơn và 28% cố gắng chi tiêu ít hơn.
Một lời khuyên có thể áp dụng ở mọi thời điểm, nhưng cần ghi nhớ khi giá cả tăng cao, là thanh toán số dư thẻ tín dụng mỗi tháng. Bằng cách đó, mỗi người sẽ tránh phải trả bất kỳ khoản lãi nào cho số dư chưa thanh toán.
“Mọi người nghĩ rằng giữ số dư trong thẻ tín dụng sẽ làm tăng điểm tín dụng của họ, nhưng thực tế thì ngược lại. Vì vậy, hãy cố gắng trả hết số dư của mình mỗi tháng”, Palmer nói.
Theo quy tắc 50/20/30, thu nhập được chia nhỏ thành 3 nhóm chính, dựa trên nhu cầu cơ bản và thực tế mà ai cũng từng gặp trong vấn đề chi tiêu. Ảnh: Tima Miroshnichenko/Pexels.
Khi các kỳ nghỉ lễ đến gần, Palmer khuyến khích người mua sắm trải rộng mức tiêu dùng của họ trong vài tháng, thay vì dồn tất cả chi tiêu vào tháng cuối cùng.
“Việc phân bổ chi tiêu giúp mọi người dễ dàng hơn trong quản lý ngân sách hàng tháng. Rủi ro lớn là bị bội chi. Vì vậy, hãy sắp xếp khoa học, theo sát kế hoạch tiết kiệm”, cô nói.
Khi đã tiết kiệm được tiền, mọi người nên xem xét các lựa chọn để giữ nó. Một trong những cách tốt nhất để tiết kiệm tiền trong thời kỳ lạm phát cao là cất giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.
Theo Zing