Cách phòng bệnh cho cây vụ đông

18/10/2014 09:26

Hiện nay thời tiết nhiều ngày có sương mù vào sáng sớm, ban đêm nhiệt độ giảm sâu, là điều kiện thuận lợi cho một số vi sinh vật gây bệnh cây trồng.


Do đó, bà con cần tìm hiểu kỹ quy luật phát sinh của sâu bệnh để có những biện pháp tác động kịp thời và hiệu quả.

Bố trí gieo trồng với mật độ vừa phải: Nếu trồng thưa sẽ không năng suất dẫn đến hiệu quả thấp. Nhưng nếu gieo trồng mật độ quá dày sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh, ví dụ bệnh thối gốc, lở cổ rễ hoặc thối nhũn vi khuẩn.

Tạo cây khỏe: Làm được việc này là nông dân thành công được một nửa bởi cây trồng khỏe mạnh sẽ có sức chống chịu tốt, kháng được sâu bệnh hại và sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn. Muốn vậy, việc bón phân tưới nước cho rau màu nông dân cần chú ý: Không tưới nước quá đẫm hoặc để luống rau quá khô. Không nên tưới nước lúc chiều muộn vì thân lá cây trồng về đêm còn đọng nước sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập. Việc bón phân cần cân đối, nhất là đạm và kali, đầy đủ về các yếu tố trung vi lượng Mg, S, Ca, Cu, Zn, Bo... Có như vậy cây trồng mới khỏe để chống chọi với những bất lợi của thời tiết cũng như dịch bệnh. Tuyệt đối không nên bón urê riêng lẻ nhất là thời kỳ cây con hoặc giai đoạn cây phát triển thân lá. Vì bón đạm đơn thân lá cây trồng sẽ mềm yếu dễ bị sâu bệnh hại tấn công.

Sử dụng thuốc: Như trên đã nêu, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loài nấm, vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, nếu thời tiết có sương mù hoặc mưa ẩm kéo dài nông dân cần tiến hành phun thuốc phòng bệnh cho cây định kỳ 5-7 ngày/lần.

Thuốc phòng bệnh có 2 dạng sinh học và hóa học. Thuốc sinh học là các chế phẩm: Nấm đối kháng Trichodecma - phòng các bệnh về rễ cây trồng gây chết rũ, nấm men Streptomyces hygroscopius var - phòng bệnh chết rạp cây con trên cà chua, khoai tây... (các chế phẩm này khi phun cần sử dụng riêng rẽ không được phối trộn với các thuốc hóa học). Thuốc hóa học là các thuốc thuộc nhóm gốc đồng như: Boocdo1%,  Coc 85WP, Funguran - OH 50WP, Cuproxat 345SC, Vidoc... Đây là các thuốc có phổ tác động rộng dùng để phòng bệnh là chính.

Nhiều nông dân thường sử dụng các loại thuốc đặc trị bệnh dùng để phun phòng bệnh định kỳ cho rau màu như thuốc Rhidomil, Topsin,... nên khi cây trồng bị bệnh, các loại thuốc này sẽ không mấy tác dụng vì nấm đã kháng thuốc...

* Chú ý: Thuốc phòng bệnh được sử dụng và có hiệu quả cao nhất khi cây trồng chưa có triệu chứng bệnh. Nếu thấy ruộng rau đã chớm bị bệnh nên sử dụng thuốc đặc trị để phun mới có hiệu quả. Tốt nhất lúc này nông dân nên nhờ các cán bộ chuyên môn chẩn đoán và tư vấn kỹ thuật để đạt kết quả cao nhất.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách phòng bệnh cho cây vụ đông