Bà Bồng thở phào. Có thế chứ, mọi người cùng chung tay rồi mấy mà sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Âm tính rồi. Mừng quá. Còn chuyện con Mến thì tính sau. Đời con gái chỉ có một lần, chuyện cưới xin không thể vội được.
1. Bà Bồng hí hửng xách cái làn về đến sân. Bữa nay chợ đếm đến dăm sáu hàng ốc. Mương ngòi nước cạn vừa dễ bắt mà ốc lại béo mũm, đã ngon còn rẻ nữa. Bà mua hẳn đến hai cân liền. Chỉ có hơn chục nghìn đồng mà được khêu ăn vã một bữa thỏa thích.
- Miếng bánh chưng tôi để trên cái giá ở nóc hòm thóc đấy. Ông xuống mà cầm lên ăn đi!
Bà Bồng nói vỏng lên nhà rồi đem mẻ ốc đi xát, ngâm. Tiếng ốc xát xuống nền gạch dưới bậc cầu ao lạo xạo càng làm ông Hợi sốt ruột. Ông rít một hơi hết điếu thuốc lào thật kêu rồi loẹt quẹt đôi dép tổ ong đi xuống.
- Bánh chưng kia kìa. Trưa nay có canh ngon cho ông đấy!
- Còn thiết tha gì nữa mà ngon với chả nghẻ. Đằng trên ấy họ “từ hôn” rồi đấy.
Ông Hợi nói gắt lên làm như thể bà Bồng chính là nguyên nhân gây ra chuyện lớn vậy. Rồi ông ôm đầu ngồi phịch xuống bậc cầu. Bà Bồng dừng tay không xát nữa, tưởng mình nghe lầm. Bà thất thần quăng cái rổ ốc xuống cái chậu nước vo gạo hốt hoảng như chưa tin vào tai mình lắm. Làm sao có chuyện trẻ con như thế được. Cách đây chừng nửa tháng gia đình thằng Phát người yêu con Mến đã đến thăm nhà. Hai bên định cuối tuần này đẹp ngày, trên đó có cơi trầu xuống làm lễ dạm hỏi. Hai đứa yêu nhau đã được gần hai năm trời nhưng đợi đến khi được đằng ấy người ta chấp thuận mối quan hệ thì cũng mới chỉ đôi ba tháng trở lại đây. Mà cái công lớn ấy là cũng nhờ thằng Phát kiên trì thuyết phục. Nhà trên đó có hẳn một siêu thị nội thất, làm ăn phát đạt có tiếng trên thành phố. Nhà bà thì nông dân một cục, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng vườn. Nghe thôi đã thấy chênh lệch. Bà không ham hố gì của nả vì dù nghèo bà cũng vẫn cố cho nó ăn học đàng hoàng. Ra trường nó cũng đã tự xin được vào làm ở công ty nọ. Thấy thằng Phát ra dáng hiền lành, tử tế nên cũng muốn vun vén.
- Người ta chê con Mến làm sao? Hay chê hoàn cảnh nhà mình? Phải có lý do cụ thể chứ. Mà sao sáng ra đã báo cho người ta cái tin tày đình hở giời?
Bà Bồng nhìn chằm chặp vào ông Hợi. Thực ra họ gọi về tối qua nhưng lúc đó bà Bồng đã đi nằm. Cả đêm qua, từ lúc nghe điện ông Hợi không chợp mắt được. Quay sang thấy bà Bồng ngủ thiêm thiếp làm ông đành nén lại. Sáng sớm thức dậy nhìn thấy chồng ngồi trầm tư bên bàn nước, bà Bồng đã ngạc nhiên. Họ bảo vậy có nghĩa là nói tránh đi thôi, chứ đời nào ông không hiểu. “Tình hình dịch bệnh lúc này đang nguy hiểm quá. Thôi thì ông bà dưới đấy thông cảm. Chờ đến khi nào mọi sự qua đi rồi hẵng hay”. Hừ, đại dịch này đến bao giờ mới thoát được. Còn chẳng biết đến khi nào. Nói thế là thôi rồi còn gì. Bày đặt mong thông cảm. Nghe mà khách sáo. Ô tô riêng có sẵn đánh cái vèo từ trên phố về quê hơn tiếng đồng hồ. Dặn nhau đeo khẩu trang cẩn thận là được. Đúng là người phố lòng dạ không biết đâu mà lần.
2. Bà Bồng sốt ruột. Gần trưa, mâm cơm cúng đã xong xuôi, nén hương cũng sắp tàn mà chưa thấy con gái về. Rõ ràng hôm trước con Mến còn điện bảo sẽ xin nghỉ phép để về thắp hương nhân ngày giỗ ông nội. Giờ chưa thấy mặt mũi đâu. Trước khi cúp máy nó dặn dò bà hạn chế sang hàng xóm, đi chợ nhớ phải đeo khẩu trang, về nhớ rửa tay bằng xà phòng cẩn thận. Nghe lời con gái bà cũng đẩy cái xe ba gác đi xát tạ gạo về để tích trữ. Có gì lúc đi nó cũng còn có gạo để xách đem theo chục cân. Bà thấy chung quanh xóm láng người ta đi mua mì tôm và ngan gà về thả chuồng ầm ầm. Có nhà mua hẳn một con lợn về cất trong tủ lạnh ăn dần bà cũng sốt cả ruột. Thành ra ông Hợi chưa thấy bà chuẩn bị được gì cứ giục cuống lên.
Ông Hợi ngó đồng hồ lo lắng. Nhỡ đâu có chuyện chẳng lành với con Mến thì sao. Những phán đoán của chồng làm bà đứng ngồi không yên.
- Reng, reng!
- Mến đấy hử con? Mày về đến đâu rồi? Bố mẹ đang lo sốt vó lên đây!
Bà Bồng chộp vội cái điện thoại. Giọng đằng kia con Mến nghèn nghẹn. Bà nghe mà trong lòng rối bời cả ruột gan. Có gì mà mặt bà biến sắc? Ông Hợi giật lấy máy từ tay bà run run. Con Mến thẽ thọt. Tối qua nó đến dự sinh nhật thằng Phát nhưng lúc ra về bị chóng mặt. Sợ đi trên đường trúng gió, nhà người ta không yên tâm, giữ lại dọn phòng bảo nghỉ qua đêm rồi mới cho về. Của đáng tội, sáng hôm sau khu phố nhà thằng Phát ở có lệnh phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập vì có người vừa mới xét nghiệm có kết quả dương tính. Người đó cách nhà thằng Phát có mấy nhà. Người ta bảo con Mến phải ở lại 2 tuần. Bà nghe qua điện thoại thấy có tiếng thằng Phát đang giải thích sự việc và xin xỏ cho bạn gái. Tiếng anh công an ôn tồn động viên nó cứ bình tĩnh mà yên tâm quay vào nhà. Chắc con gái bà đang đứng ở trạm chốt. Đúng là trớ trêu. Nhà người ta ngãng ra rồi vậy mà nó còn đi dự sinh nhật. Mà con gái con đứa lại còn qua đêm ở đó nữa. Chả khác nào đeo mo vào mặt. Rủi ro xảy đến lúc khác thì có khi không ai biết. Phải như ở làng thế thì chỉ một lát người ta đã đồn ầm lên. Còn lấy được chồng nữa hay thôi? Mà phố ấy có người đã nhiễm rồi thì nhà thằng Phát có tránh được không, con ông lại chẳng lây ngay ấy à? Trời ơi là trời. Mải suy nghĩ, thành ra ông Hợi cứ ừ ừ, à à, bố mẹ biết rồi. Vậy chứ biết làm sao. Thế con nhé.
Mồ hôi ông rịn ra. Con Cô-vít quái ác làm đảo lộn bao kế hoạch, làm hỏng việc của gia đình ông thế này.
3. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Bà mau thu xếp công việc rồi sang làng Giềng tìm thầy Viễn cúng bái cho cẩn thận. Chứ kiểu này vận hạn ập đến là có giời gỡ!
Ít khi tin vào chuyện bói toán, cúng bái nhưng mấy sự cố xảy ra cùng thời điểm khiến bà Bồng không thể không lo. Giai út nhà bà tên Hải đang vừa du học vừa làm ở bên Hàn Quốc lúc đầu còn nhấp nhổm. Nhưng dịch bệnh đã bùng phát toàn cầu với con số tăng chóng mặt nên bà Bồng bàn với chồng gọi điện giục làm thủ tục bay về ngay. Tốn kém thì đúng thật nhưng mà tình hình này cứ an toàn là trên hết. Còn người là còn của. Khắp nơi trên thế giới người ta tin tưởng, ca ngợi Việt Nam làm tốt công tác phòng chống dịch hiệu quả. Đúng là không đâu bằng quê hương mình. Thằng cu Hải vừa đặt chân xuống sân bay đã được đưa đi cách ly ngay. Hôm nào hai ông bà cũng thay phiên gọi điện cho thằng Hải hỏi han. Nó dấm dứt khóc kêu nhớ nhà, muốn về ngay. Hai vợ chồng bà nghe thế mà hốt hoảng. Cô chị mới thế, giờ lại đến cậu em. Người ta phát hiện cùng chuyến máy bay có người nhiễm Cô-vít rồi liệu thằng Hải có sao không? Thằng Hải mà trốn về bây giờ có mà dân làng người ta tránh hơn cả tránh hủi. Chỉ mới biết phong thanh thằng Hải về nước, chả biết ai trong xóm đã ngứa mồm le te chạy đi báo với công an ngay. Chả bù cho đợt trước nó về, gặp bà ai cũng bu vào cười nói hỏi han. Mà nào bà đã nhìn thấy mặt mũi thằng Hải ra sao.
Thầy Viễn có tiếng trong vùng là thầy cúng bài bản, chỉn chu nhất. Trong làng ngoài xã hễ nhà nào làm lễ nhập trạch, lễ động thổ hay cất nóc đều nhờ thầy xem ngày giờ tốt hộ. Tiếng chuông mõ hòa lời kinh, tụng niệm. Thầy bảo phải đổi vị trí bàn thờ, thay bát hương mới được. Phải biết làm đúng ý “ngài”, lấy khí vượng hạn chế khí xấu, tà ma. Mọi khi gia đình còn chuẩn bị đồ cúng chưa đầy đủ. Bởi cúng cầu sai quy cách nên mới bị ngài quở phạt. Thầy chỉ là người hướng dẫn cho người trần biết đường đi nước bước thôi. Ý ngài là thế đấy. Còn làm sao thì làm. Mắt thầy trừng lên, giọng thầy như người ở cõi xa ngái vọng về. Bà Bồng hốt hoảng, sợ thầy phật lòng gật đầu dạ vâng răm rắp. Bà chắp tay lầm rầm. Khói nhang lẫn tiền vàng đem hóa, tàn hương lượn bay nghi ngút, cay xè mắt.
- Tinh, tinh!
- Thầy gieo quẻ xin đài có được không ạ?
Bà Bồng hồi hộp.
- Không được rồi. Hai đồng đều sấp cả. Ngài giận đấy!
Thầy lắc đầu làm bà thót tim. Bà cũng chả hiểu rõ sấp ngửa như thế nào nhưng nghĩ nôm na xin âm dương mà được ngay lần đầu một đồng âm một đồng dương thì mới đẹp, âm dương hài hòa. Bà Bồng lầm rầm cúi vái. Quẻ gieo lần nữa. Hai đồng đều ngửa cả. Thế là ngài cười rồi đấy. Cười nhưng vẫn còn chê đấy. Lần thứ ba, nhất âm nhất dương rồi. Đẹp rồi. Chỉ chờ thầy nói thế, bà Bồng thở phào. Khóa lễ xong nhìn ra ngoài trời đã tối như bưng.
Dạo này loa truyền thanh của xã hoạt động hết công suất. Lễ làm hôm trước, sáng hôm sau vừa mắt nhắm mắt mở dậy cho lợn ăn bà Bồng vừa dỏng tia lên nghe loa thông báo. Luýnh quýnh tí nữa thì chậu cám đang bưng trên tay bị con ỉn phàm ăn chúi mũi làm cho đổ nhào. Làng Giềng có hai mẹ con nhà bà Mơ từng đi khám bệnh ở Bạch Mai về vừa được đưa đi cách ly tập trung ư? Bà Mơ thì bà còn lạ gì. Gần đây bị chứng tiền đình, ù tai vẫn đang liệu trình điều trị ở Bạch Mai nhưng trên đó người ta vừa công bố ổ dịch. Bà Mơ cũng tín lắm, vì thi thoảng bà Bồng vẫn gặp bà Mơ đi lễ chùa Đồng. Nếu đợt này thầy Viễn mà đến nhà cúng bái cho bà Mơ thì sẽ toang cả làng chứ chẳng chơi. Thầy Viễn dịp tiết Thanh minh làm lễ tạ mộ cho khối nhà. Chỉ còn hy vọng là bà Mơ không sao, mà nếu có cúng cho nhà đó thì cũng vào thời điểm trước khi bà ta đi Bạch Mai. May ra. Rõ là sự đời. Tưởng cúng bái cho qua sự tai ương có ngờ đâu bỗng nhiên lại rước cái lo lắng bất an vào người.
4. Thấm thoắt khu phố nhà thằng Phát cũng được gỡ bỏ lệnh cách ly. Trước đó ông Thiêm, bố thằng Phát đã điện về cho ông Hợi ngoài thông báo về sự việc còn động viên để hai ông bà an tâm. Ông Hợi ban đầu cầm máy bắt lời giọng ừ hữ chiếu lệ, nghĩ người ta giao tiếp hỏi han đại khái thì mình cũng đáp lại cho phải phép. Hơn nữa con Mến lại ăn nhờ ở đậu trên ấy, nhưng sau thấy thiện chí của bên đàng trai nên ông cũng say sưa chuyện. Hóa ra hai ông thế mà hợp tính. Có thể nói chuyện trên trời dưới biển kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Bà Bồng chốc lát lại gần nghe lỏm chuyện câu được câu chăng rồi tủm tỉm. Đợi mãi mà ông Hợi chưa dứt được chuyện, bà Bồng đành cắp sảo ra vườn. Muốn xen vào hỏi vài câu mà thấy cũng khó. Chả bù cho bữa trước, lúc đàng trai báo về nói hoãn ngày dạm hỏi mặt ông Hợi như người đưa đám. Thế ra người ta vì hoàn cảnh bắt buộc chứ vẫn thiện chí đâu có như ông Hợi suy diễn. Đúng là nhà làm ăn người ta tính toán cẩn thận quen. Chả giống người quê như vợ chồng bà chỉ nhìn gần mà chẳng biết trông xa.
- Ối này, bà có biết ông ấy nói gì về con Mến không?
- Gớm, ông ấy nói gì thì chỉ có ông biết chứ tôi ở ngoài biết làm sao được? Chắc lại chê con bé vụng thối vụng nát ra chứ gì?
Ông Hợi te te chạy ra vườn kể giọng hồ hởi. Ông thông gia khen con Mến đảm, nấu ăn ngon. Con bé sáng nào cũng dậy sớm nhất nhà, dọn dẹp rồi nấu bữa sáng bày sẵn ra bàn ăn mời mọi người. Khẩu vị của nó hợp với cả nhà. Mà con Mến lại ngoan ngoãn, lễ phép được lòng ông bà thông gia lắm. Thôi, trong cái rủi lại có cái may. Cũng coi như là một phép thử, để đôi bên tìm hiểu nhau kỹ lưỡng hơn kẻo sau này lại lỡ dở. Bà Bồng nghe đến đấy thì nở nụ cười hài lòng. Con gái bà, con nhà nông chính hiệu. Từ bé mọi việc đồng áng, việc bếp núc bà đã chả huấn luyện cho nó còn gì. Bà Bồng thấy vẻ mặt ông Hợi có điều gì đắn đo suy nghĩ. Một lát, ông Hợi bộc bạch. Bên đằng trai họ muốn chọn lại ngày để làm lễ hỏi, cưới con Mến luôn. Có thể chỉ đi đăng ký kết hôn trước rồi sẽ làm lễ báo hỷ mời khách khứa đến dự sau. Trên ấy người ta lo con Mến đã đi lại sinh hoạt như người nhà rồi mà không cưới hỏi liền tay sợ con gái bà mang tiếng. Bà Bồng ngẩn người. Cưới hỏi trong lúc này á? Còn chưa biết thằng Hải có được an toàn không.
- Bác sĩ báo thằng Hải có kết quả âm tính rồi bố mẹ ạ.
Con Mến về thăm nhà thông báo giọng như reo lên. Bà Bồng mừng rỡ. Vừa thốt ra ý định muốn lên thăm con giai tiện mang theo ít vật dụng cá nhân cho nó, con Mến đã gạt đi, giọng ráo hoảnh. Ở đó mọi thứ đầy đủ. Chăn, ga, gối đều được cấp phát. Nó được các cô chú khu cách ly tận tình chăm sóc, có khác nào đi nghỉ dưỡng.
Bà Bồng thở phào. Có thế chứ, mọi người cùng chung tay rồi mấy mà sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Âm tính rồi. Mừng quá. Còn chuyện con Mến thì tính sau. Đời con gái chỉ có một lần, chuyện cưới xin không thể vội được. Đã yêu thương nhau thật lòng thì lâu mấy mà chả đợi được. Bây giờ chỉ mong hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường thôi.
Truyện ngắn củaVŨ THỊ THANH HÒA