Cách làm ở Cẩm Giàng

16/09/2012 05:53

Những năm trở lại đây, nhiều nông dân Cẩm Giàng bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu tư lớn làm kinh tế trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao...



Mỗi tháng, trang trại của anh Đoàn Đức Đại ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) thu lãi 20-25 triệu đồng,
 tạo việc làm cho 12 công nhân với mức lương trung bình 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng


Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cẩm Giàng, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Đoàn Đức Đại ở xã Tân Trường. Trang trại của anh Đại được quy hoạch ngăn nắp, xa khu dân cư. Anh cho biết: "Ngay khi xây dựng trang trại, tôi đã xác định phải làm tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư một cách có hệ thống thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã làm đơn và được UBND xã Tân Trường cho thuê trên 11 nghìn m2 đất. Tôi quy hoạch hệ thống chuồng trại gồm: 5.000 m2 ao nuôi cá, 5.000 m2 để xây 7 dãy chuồng nuôi gà, ngan, vịt đẻ và thương phẩm. Hiện tại, trong trang trại của tôi có 4.000 con gà đẻ, 4.000 con vịt đẻ. Ngoài ra, mỗi năm tôi nuôi 3-4 lứa gà thịt, trung bình khoảng 20 nghìn con/lứa. Mỗi ngày tôi thu khoảng 1.700 quả trứng gà và 1.500 quả trứng vịt. Toàn bộ số trứng này tôi cho vào lò ấp để làm gà, vịt giống. Mỗi tháng, tổng doanh thu của trang trại đạt gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 20-25 triệu đồng".

Để xây dựng và vận hành được trang trại quy mô lớn như vậy, từ khâu kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh đến thị trường tiêu thụ đều được anh Đại tính toán chặt chẽ. Anh thuê 12 công nhân làm việc với mức lương trung bình 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, 2 công nhân có bằng trung cấp, chịu trách nhiệm về kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh. Hằng tuần, trang trại đều được phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ. Chất thải được thu gọn và xử lý trước khi đưa ra môi trường. Quần áo công nhân trước khi vào làm việc  đều được khử trùng. Người lạ không được vào chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh. Toàn bộ gia cầm trong chuồng đều được tiêm phòng định kỳ. Anh xây dựng quan hệ mật thiết với các chủ buôn gia cầm để cung cấp thịt, với các chủ trang trại để cung cấp con giống. Nhờ vậy trang trại của anh không bị ế hàng.

Năm 2003, gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn ở thôn 19-5, xã Cẩm Hoàng chuyển đổi 5 sào ruộng trũng bấp bênh sang đào ao nuôi thủy sản và nuôi gia súc, gia cầm. Để thuận tiện cho việc sản xuất, năm 2007, ông tiếp tục mua đất của những hộ xung quanh, nâng diện tích chuyển đổi lên 1,2 ha. Ông Đoàn dành 1 ha chuyên thả cá rô phi đơn tính, mỗi năm cho thu hoạch 2 lần với sản lượng khoảng 20 tấn cá. Trên bờ, ông Đại xây chuồng để nuôi gia súc, gia cầm. Trong chuồng của ông luôn có 30 con lợn nái, 200-250 con lợn thịt, 5.000 con gà đẻ trứng. Tổng doanh thu từ trang trại của ông Đoàn đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm. Trang trại giải quyết việc làm cho 2 công nhân thường xuyên và 2-3 lao động thời vụ. Ông Đoàn cho biết: "Trước đây, tôi đã chăn nuôi nhỏ lẻ, tận thu các phụ phẩm của gia đình nên không chú tâm đầu tư xây dựng chuồng trại, tiêm phòng... Do vậy, hiệu quả kinh tế không cao, tốn công chăm sóc. Nhận thấy cần thay đổi tư duy, cách làm, tôi đã vay vốn ngân hàng cộng với vốn tích lũy được khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng trang trại như hiện nay. Trong chăn nuôi, tôi luôn chú ý tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tìm kiếm thị trường".

Ông Vương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Giàng cho biết: Những năm qua, nhận thức của nông dân trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi. Nhiều người bỏ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, tập trung làm kinh tế trang trại, đầu tư lớn, có cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, thú y, tuân thủ nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt các trang trại đã có mối  liên hệ  với nhau trong việc cung ứng con giống và bảo đảm  thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện có 43 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chí mới của Bộ NN-PTNT. Trong đó, có 39 trang trại tổng hợp, 3 trang trại chuyên thủy sản và 1 trang trại trồng nấm. Tổng doanh thu của các trang trại năm 2011 đạt trên 100 tỷ đồng, mỗi trang trại cho thu lãi từ 100 triệu đồng trở lên/năm (có trang trại lãi trên 1 tỷ đồng), tạo việc làm cho 3-7 lao động. Các trang trại đều có vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp nhất 500 triệu đồng, cao nhất trên 11 tỷ đồng.

Năm nay, các trang trại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm rẻ trong khi giá thức ăn, tiền công cao. Huyện Cẩm Giàng đang thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đối với đầu tư chăn nuôi. Huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng các mô hình thí điểm như nuôi cá điêu hồng (xã Cẩm Định), chim bồ câu Pháp (các xã Cẩm Đoài, Cẩm Hoàng), trồng ổi Đài Loan (thị trấn Lai Cách), đu đủ (xã Tân Trường)... Phòng NN-PTNT huyện sẽ đánh giá hiệu quả và khuyến khích người dân ứng dụng trong thực tế. Thời gian tới, huyện khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế trang trại bằng việc quy hoạch mỗi xã từ 1-2 khu chăn nuôi tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho người làm trang trại vay vốn; phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức chuyển giao kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, cho năng suất, hiệu quả cao vào nuôi, trồng.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách làm ở Cẩm Giàng