Cách giảm nghèo hiệu quả ở Thanh Miện

27/06/2019 13:03

Các cấp chính quyền ở Thanh Miện luôn tạo điều kiện để người dân cập nhật kiến thức khoa học, kỹ thuật, cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nâng cao đời sống.


Nhiều hộ ở Thanh Miện đã thoát nghèo bền vững nhờ nuôi thủy sản

Chính sách ưu đãi

Một trong những biện pháp giảm nghèo hiệu quả ở Thanh Miện là tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Năm 2016, Thanh Miện có 3.523 hộ nghèo (chiếm 8,2% số dân), 1.873 hộ cận nghèo (chiếm 4,4%). Đến năm 2018, huyện có 1.919 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền gần 90 tỷ đồng. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ theo nhóm hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,19%.

Thanh Miện còn thực hiện chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục cho hộ nghèo. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã cấp miễn phí gần 50.000 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; miễn giảm học phí cho 1.890 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Phối hợp với các công ty, trung tâm đào tạo, dạy nghề cho hàng nghìn lượt học viên; giới thiệu 150 người đi xuất khẩu lao động và 1.000 lao động thuộc diện hộ nghèo có việc làm thường xuyên. Huyện cũng chi gần 5 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện cho 8.185 lượt hộ nghèo. 

Bà Vũ Minh Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Năm 2018, MTTQ huyện đã vận động người dân ủng hộ trên 5,6 tỷ đồng cho Quỹ Tri ân người có công và chung tay giúp đỡ người nghèo. Từ nguồn quỹ này, chúng tôi hỗ trợ xây 27 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng và hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho 150 hộ có hoàn cảnh khó khăn. MTTQ các cấp trong huyện còn hỗ trợ sản xuất, chữa bệnh, sửa nhà và thăm, tặng quà hàng nghìn lượt hộ nghèo”.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp người dân nắm được các chủ trương, chính sách về giảm nghèo. Các cấp chính quyền tạo điều kiện để người dân cập nhật kiến thức khoa học, kỹ thuật; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất...

Giúp phát triển kinh tế

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các xã đã căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các giải pháp giảm nghèo phù hợp. Xã Đoàn Kết còn thiếu tiêu chí giảm nghèo để về đích nông thôn mới trong năm 2019. Thời gian qua, địa phương chú trọng tuyên truyền về công tác giảm nghèo tới người dân nhằm khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế hộ. Xã chủ động phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung rộng 119 ha, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động thuộc diện nghèo, cận nghèo. Ông Phạm Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi thuỷ sản với thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn xã còn 50 hộ nghèo, giảm 28 hộ so với năm trước, hoàn thành tiêu chí giảm nghèo đã đề ra”.

Bà Nguyễn Thị Thuần ở thôn Đông, xã Thanh Tùng là một điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Để nuôi 2 con ăn học, bà đi bán hàng rong. Năm 2010, bà được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với số vốn vay từ người thân, bà mua bò đẻ về nuôi. Đến năm 2015, gia đình bà Thuần đã vươn lên thoát nghèo. Hiện gia đình bà đang là đại lý cấp 2 chuyên cung cấp phụ tùng xe máy, đồ gia dụng với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

“Công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Hằng năm, huyện chỉ đạo các ngành liên quan và các xã rà soát số hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng kế hoạch, chương trình giảm nghèo. Từ đó ưu tiên, giúp đỡ các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế với những biện pháp thiết thực, cụ thể”, ông Phạm Hồng Thiệp, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo huyện Thanh Miện cho biết.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách giảm nghèo hiệu quả ở Thanh Miện