Trên thực tế tỷ lệ lợn chết do mắc bệnh tai xanh rất thấp mà nguyên nhân gây tử vong cao ở lợn nhiễmtai xanh chính là do hiện tượng bội nhiễm (bệnh ghép). Hải Dương Online giới thiệu bà con nông dân cách điều trị.
Bệnh tai xanh hoành hành hơn một tháng qua, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn ở tỉnh ta. Các nhà khoa học đã chứng minh lợn bị chết do tai xanh (hiện chưa có thuốc điều trị) chỉ chiếm từ 10 đến 12% số con bị nhiễm. Song trên thực tế lợn chết lại lên đến 90-95% số con mắc bệnh. Nguyên nhân gây tử vong cao ở lợn nhiễm tai xanh chính là do hiện tượng bội nhiễm (bệnh ghép).
Điều trị các chứng bệnh bội nhiễm phải tiến hành đồng thời 3 bước sau:
- Bước 1: Cho lợn uống đủ nước, 1 lít nước được pha 5 gam thuốc cúm gia súc, 3 gam điện giải, 3 gam Super- Vitamin (hoặc Doxyvit Thái).
- Bước 2: Tiêm bắp an thần hạ sốt và trợ lực: Dùng thuốc Aalgin+ Vit C, tỷ lệ 50/50, liều lượng 1ml/10 kg trọng lượng cơ thể lợn/lần/ngày. Tiêm ADE với liều 1 ml/10 kg/lần/ngày. Chú ý tiêm riêng biệt 2 mũi, không pha trộn các loại thuốc trên để tiêm một lần.
- Bước 3: Tiêm bắp kháng sinh đặc hiệu trong vòng 5 ngày.
- Ngày 1: Sáng tiêm Macavet, liều 1 ml/10kg/lần; chiều tiêm VidanT, liều 1 ml/10kg/lần.
- Ngày 2: Nếu lợn viêm phổi thì sáng và chiều tiêm Tialin Thái, liều 1 ml/10 kg/lần; Nếu viêm phổi chảy mủ hoặc máu cam xuất hiện ở lỗ mũi thì sáng, chiều tiêm Vidan T, liều 1 ml/10kg/lần (hoặc Linco-gen. LA, liều 1 ml/10kg/lần). Cũng có thể dùng Ceftiofur, liều 1 gam/ 200kg/lần.
- Ngày 3 và ngày 4: sáng tiêm Macavet, liều 1ml/15 kg/lần; chiều tiêm VidanT, liều 1ml/10kg/lần.
- Ngày 5: Tiêm một mũi duy nhất Macavet, liều 2 ml/15kg/lần.
Đặc biệt lưu ý: Trong tất cả 5 ngày điều trị nhất thiết phải duy trì đủ bước 1 và 2, rồi mới thực hiện bước 3 theo hướng dẫn; đối với lợn con theo mẹ và lợn nái đang mang thai dùng Vinathazin thay cho Analgin, không dùng các thuốc có chứa Tylosin, Tiamulin, Colistin. Khi thấy lợn bị táo bón có màng nhầy thì nên tiêu hủy lợn, hoặc tiêm vắc-xin dịch tả, có chuyển biến tích cực thì mới điều trị tiếp theo phác đồ trên.
Bác sĩ thú y NGUYỄN VĂN ĐÔNG