Chiều 28.5, các Bộ trưởng: Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu
Tại phiên thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, chiều 28.5, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó là những ý kiến tranh luận sôi nổi của đại biểu đối với nội dung giải trình của các Bộ trưởng, các trưởng ngành.
Doanh nghiệp ngành giao thông vận tải sau cổ phần hóa hoạt động tốt?
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, giai đoạn 2011-2016, Chính phủ giao bộ cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty là công ty thành viên. Kết quả đã cổ phần hóa được 137 doanh nghiệp, vượt 67 đơn vị so với chỉ tiêu.
Trong quá trình thực hiện, bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện các thủ tục theo đúng theo quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp này khi niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng đều được giá cao, thu về hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với định giá ban đầu (2.153 tỷ đồng).
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016, 18 tổng công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần ghi nhận doanh thu tăng 15%, lợi nhuận sau thuế tăng 194% (bình quân mỗi năm tăng trên 40%); thu nhập người lao động tăng 32% trong 4 năm.
“Những doanh nghiệp mà Bộ Giao thông vận tải cổ phần hóa đến thời điểm này đa số hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động, xây dựng công trình giao thông trọng điểm,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về thông tin doanh nghiệp ngành giao thông vận tải cổ phần hóa đều đang hoạt động tốt, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhắc lại vấn đề đã nêu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, đó là việc cổ phần hóa Tổng Công ty Vận tải thủy Việt Nam, Tổng công ty này có 10 doanh nghiệp với hàng trăm đoàn tàu đang hoạt động mà được bán với giá 327 tỷ đồng, chỉ tương đương với một căn nhà phố cổ Hà Nội.
Vấn đề này đã có người bức xúc và tố cáo tuy nhiên, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo lại cho rằng không có vấn đề gì xảy ra. Thậm chí còn nói rằng không tiếp cận nổi các tài liệu về cổ phần hóa, quên cả nhà đầu tư chiến lược, thậm chí tài sản không những hạ giá thấp mà lại còn có vấn đề để ra ngoài khối tài sản khác, không đưa vào cổ phần hóa, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu.
Trường hợp thứ hai được đại biểu dẫn chứng là việc cổ phần hóa một doanh nghiệp lớn khác trong ngành giao thông khiến "cử tri đang làm ở đó không biết công ty được cổ phần hóa lúc nào. Sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp lại phải đi thuê lại cơ sở vật chất của chính công ty được cổ phần hóa với giá cao thì hiệu quả cổ phần hóa 137 doanh nghiệp như thế nào? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải xem xét lại hai trường hợp trên."
Doanh nghiệp bị bệnh nhưng bác sỹ không chẩn đoán được
Tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết từ năm 2011-2016, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 19 cuộc thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Qua đó, phát hiện 340 nghìn tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng; xuất toán khoản quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trên 344 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 16 vụ, 17 đối tượng, khởi tố 17 vụ, 24 đối tượng.
Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, tồn tại lớn nhất hiện nay là báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo thường là cuối niên độ nên chưa trung thực và không chính xác, không phản ánh được tình hình vốn, tài sản nhà nước tại thời điểm báo cáo.
“Khi báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không công khai, người tiếp cận đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư, quản lý, hậu quả khó lường,” người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cảnh báo.
Ông cho rằng “doanh nghiệp bị bệnh nhưng bác sỹ không chẩn đoán được, không phát hiện được, cũng như không bóc tách được các loại bệnh và không có đơn thuốc thì bệnh càng ngày càng nặng thêm và đi đến phá sản là điều đương nhiên.”
Một thực tế được Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra là có xu hướng các đơn vị kinh doanh hiệu quả thường không báo cáo hết, kể cả về thuế và hoạt động sản xuất kinh doanh, với mong muốn thận trọng, giữ lại để làm nguồn dự phòng, phòng khi rủi ro trong những năm tiếp theo, do đó báo cáo không chính xác.
Thứ hai, với đơn vị lỗ, thất thoát gây mất mát tài sản, vốn của nhà nước thì thường cố tình tạo ra khoản có lợi, không có thật để che giấu những khoản đó, hòng tránh trách nhiệm cũng như tiếp tục tìm cơ hội để khắc phục.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, một số ít cán bộ hoạt động trong ngành tài chính kế toán có hạn chế về đạo đức nghề nghiệp, báo cáo chưa trong sáng.
Hội nghề nghiệp, đặc biệt hội kế toán, kiểm toán cũng chưa giám sát được hoạt động nghề nghiệp này, chưa có chế tài xử lý nghiêm nên những sai sót, hạn chế vẫn tiếp diễn. Cơ quan thanh tra kiểm tra làm cũng chưa hết trách nhiệm.
Sai lớn nhất, theo ông Lê Minh Khái là sai về hạch toán doanh thu chi phí, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nộp thuế không được hạch toán và không được hình thành đầy đủ trong báo cáo.
Giai đoạn 2011-2016 đầu tư ra ngoài ngành rất mạnh, đa ngành, đa lĩnh vực, cơ cấu sử dụng vốn không hợp lý, lấy vốn dài hạn sử dụng cho vốn ngắn hạn, mục đích cũng như đối tượng vốn không đúng, làm cho tình hình tài chính phức tạp.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị có cơ chế khuyến khích lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là tổng giám đốc khi điều hành, quản lý, sử dụng vốn, tổ chức kinh doanh làm có lãi hơn mức bình thường phải có cơ chế động viên. “Nếu đánh đồng, sai thì xử lý trách nhiệm nhưng làm ra phần có lợi nhiều hơn mà không có thái độ rõ ràng sẽ không khuyến khích,” ông Khái nói.
Không có khoảng trống về pháp luật song các quy định xử lý vi phạm chưa đủ mạnh
Tại hội trường, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, trao đổi thêm một số nội dung liên quan.
Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh và chính sách an sinh xã hội.
Lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một nội dung mang tính phức tạp, gắn với sự đổi mới của nền kinh tế và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng; do đó đòi hỏi phải có sự cập nhật, đổi mới, hoàn thiện theo từng thời kỳ cho phù hợp với định hướng phát triển của Đảng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định không có khoảng trống pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; luôn có các văn bản pháp luật ở các cấp độ khác nhau như luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định Thủ tướng, các thông tư của các bộ ngành quy định về điều chỉnh việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo đầy đủ, đồng bộ pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Phân tích về thực tế vận động của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính cho rằng việc kịp thời cập nhật, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách gắn với sự đổi mới, hội nhập của nền kinh tế nhằm từng bước hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế là cần thiết.
Bộ trưởng cũng tán thành các kiến nghị của Đoàn giám sát về sự cần thiết xây dựng một khung pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Về mô hình đầu tư kinh doanh vốn nhà nước của SCIC, Bộ trưởng cho biết: Một trong những nhiệm vụ chính của SCIC là kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực có hiệu quả, sinh lời cao để gia tăng giá trị vốn nhà nước theo đúng kế hoạch được chủ sở hữu phê duyệt. SCIC đồng thời là doanh nghiệp nên việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa theo cơ chế thị trường sẽ thuận lợi và phù hợp, “Do đó, cần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của chính doanh nghiệp này,” Bộ trưởng nêu ý kiến.
Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp nhà nước để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý kỷ luật cán bộ.
Các vi phạm tập trung chủ yếu vào khâu tổ chức thực hiện và nguyên nhân chính là do sự cố tình, cố ý vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của một số thành viên lãnh đạo doanh nghiệp.
Bàn về nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước, Bộ trưởng cho rằng một trong những lý do cơ bản là các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua nhiều lúc, nhiều nơi còn hạn chế và vi phạm.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 cần phải đánh giá trong tương quan với tình hình suy thoái kinh tế thế giới.
Những biến động, suy thoái trên thế giới trong giai đoạn này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta, nhất là trong điều kiện nước ta hội nhập sâu rộng; đồng thời phải gắn với tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đánh giá trong bối cảnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh nên quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước có thay đổi, đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Theo TTXVN