Công việc nặng nhọc, độc hại nhưng thu nhập thấp. Chính quyền các cấp chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng.
Các tổ thu gom rác làm việc vất vả, trong môi trường độc hại
Đây là những nguyên nhân khiến việc tìm người thu gom rác trên địa bàn các xã của huyện Ninh Giang gặp khó khăn.
Vợ trưởng thôn nhặt rácNăm 2011, UBND xã Hiệp Lực thành lập 6 tổ thu gom rác tại 4 thôn. Việc tìm người thu gom được giao cho các trưởng thôn. Do công việc nặng nhọc, vất vả nên không ai muốn làm. Trưởng thôn phải đứng ra vận động, thuyết phục người dân. Có thôn không có ai nhận thì vợ các trưởng thôn phải đảm nhận công việc này.
Đã hơn 11 giờ trưa nhưng 2 người thu gom rác của thôn Tiền, xã Hiệp Lực vẫn oằn mình đẩy xe rác đầy ắp. Con đường ra bãi rác tập trung của xã rộng chưa đầy 1m lầy lội, khó đi. Chị Đào Thị Cánh, người thu gom rác, cũng là vợ trưởng thôn Tiền chia sẻ: "Trong thôn không ai muốn làm công việc này. Tôi phải thuyết phục một chị trong làng cùng đi thu gom rác. Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, chúng tôi dậy từ sáng sớm làm đến chiều muộn mới xong. Ngày nắng thì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, ngày mưa thì ruồi nhặng. Mưa xong, rác nổi lềnh bềnh ngoài bãi, nước đen ngòm nhưng chúng tôi vẫn phải lội vào làm. Đã có lần, trong khi gom rác, chúng tôi bị mảnh chai đâm vào tay hoặc giẫm phải bơm tiêm. Các con khuyên tôi bỏ việc vì sợ bệnh tật. Dù không muốn làm nhưng tôi nghĩ ai cũng sợ khổ, sợ bẩn thì lấy đâu ra người thu gom rác".
Không chỉ vất vả, nguy hiểm mà thu nhập của những người làm công việc này rất thấp. Theo quy định của UBND xã Hiệp Lực, mỗi khẩu đóng phí môi trường 4.000 đồng/tháng. "Trung bình mỗi tháng, thu nhập của nhân viên thu gom rác từ 700-800.000 đồng. Những tháng xe hỏng hoặc phải thay dụng cụ lao động nhiều, chúng tôi phải tự bỏ tiền để mua sắm và sửa chữa thì coi như tháng đó không có công", chị Nguyễn Thị Nhàn, người thu rác của thôn Thọ chia sẻ.
Mặc dù thu nhập thấp nhưng người dân vẫn thiếu trách nhiệm trong đóng góp phí môi trường. Thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên có 2.800 khẩu nhưng có đến 400 khẩu không đóng tiền thu gom rác thải. Khoảng cách từ điểm xa nhất của thôn đến bãi tập kết rác thải tập trung của xã hơn 4 km. Để thuận lợi cho việc vận chuyển, anh Nguyễn Văn Trịnh, Tổ trưởng tổ thu gom rác thôn Đông Cao đầu tư hơn 100 triệu đồng mua ô tô chở rác và mua sắm dụng cụ bảo hộ cho người lao động. "Các tổ thu gom rác không được hỗ trợ gì ngoài phí môi trường của các hộ dân đóng góp. Với mức thu nhập từ 1,3-1,5 triệu/tháng như hiện nay, không biết khi nào chúng tôi mới thu hồi được vốn", anh Trịnh lo lắng.
Khắc phục bất cập
Tổ thu gom rác thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên đầu tư hơn 100 triệu đồng mua xe ô tô và dụng cụ
làm việc, nhưng chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn
Huyện Ninh Giang có 144 tổ thu gom rác do UBND xã thành lập, giao cho các thôn, xóm quản lý. Rác được người dân tập kết ven trục đường chính, tổ vệ sinh đi thu gom đưa về các bãi rác tập trung của xã. Phương tiện thu gom chủ yếu là xe ba gác. Quãng đường vận chuyển, thu gom xa nên làm việc rất vất vả. Rác thải tích tụ lâu ngày, cộng với ý thức của một số người dân chưa tốt trong tập kết và phân loại rác thải nên ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của những người thu gom.
Theo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Giang, hiện tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn các xã mới đạt 65%. Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Rác thải chủ yếu được chôn lấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc thu gom, vận chuyển còn thiếu. Mức thu phí vệ sinh thấp, không bảo đảm chi cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý nên không đáp ứng được yêu cầu. Thu nhập của người thu gom rác thấp.
Để khuyến khích người thu gom rác thải rất cần có sự quan tâm đồng bộ của chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân. UBND huyện Ninh Giang cần bố trí kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tạo điều kiện để người thu gom rác yên tâm gắn bó với công việc. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ vốn mồi để mua xe chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác...
LAN NGUYỄN- TRẦN HIỀN