Các nước trong khu vực sẽ liên minh chống lại sự hung hăng và mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.
|
Trong một bài xã luận trên tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 18-5, nhà báo Philip Bowring ở Hồng Kông cho rằng, Trung Quốc đã phớt lờ các chứng cứ lịch sử, tăng cường những hành động hung hăng trên Biển Đông thời gian gần đây chỉ nhằm vào mục đích tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nuốt trọn trên 90% Biển Đông.
Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc cũng điều máy bay, tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển của Việt Nam.
Mới đây, Philippines lên tiếng tố cáo Trung Quốc ngang ngược xây dựng đường băng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lâu nay, Philippines cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông.
Riêng về việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển Việt Nam, thời gian qua, truyền thông báo đài cùng các nước trên thế giới cũng đã lên án hành động gây hấn của Trung Quốc.
Mới đây, ông Didier Guillaume, Thị trưởng TP Choisy-le-Roi, phía nam Thủ đô Paris của Pháp, đã viết thư bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đồng thời lấy làm tiếc về hành động xâm phạm trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Didier Guillaume khẳng định, việc hạ đặt giàn khoan đã "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế tại vùng biển này, đồng thời đánh giá cao quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra, một số nghị sĩ Pháp và Italy cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc, cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh tại Biển Đông.
Không chỉ riêng Việt Nam và Philippines, Trung Quốc còn chuyển hướng sang “bắt nạt” cả Indonesia. Trong những tháng gần đây, Indonesia đã hai lần phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông.
BBC dẫn lời giáo sư Mark Beeson, chuyên nghiên cứu về chính trị quốc tế và cũng là một chuyên gia về an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Đại học Murdoch (Úc) nhận định: “Việt Nam không phải là một nước dễ bị đánh ngã như lịch sử phức tạp giữa Việt Nam-Trung Quốc nhắc nhở chúng ta điều đó”.
Nếu Trung Quốc càng đẩy mạnh những hành động ngang ngược nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này, thì các nước trong khu vực sẽ hợp sức cùng nhau tạo thành một liên minh để chống lại mưu đồ bá quyền của Trung Quốc, theo nhận định của ông Geoff Dyer, một nhà báo - tác giả nhiều quyển sách và là cựu trưởng văn phòng tờ Financial Times (Anh) tại Bắc Kinh, trên trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ).
Sáng 18-5, trên vùng biển Hoàng Sa, tàu cảnh sát biển 2013 của Việt Nam bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc tông thẳng làm hư hại nặng. Mặc dù đã chạy với tốc độ 20 hải lý/giờ với công suất mở 3 máy nhưng tàu cảnh sát biển 2013 vẫn bị hai con tàu hung hăng của Trung Quốc lao vào. Hậu quả tàu 2013 bị tông gãy lan can ở mạn phải, móp 1 phần con lươn, dài khoảng 1,5 mét, gãy một số ống thông gió, thông hơi trên tàu. Trước đó vào tối 17-5, khi tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam vào đội hình của các tàu kiểm ngư, cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 10 hải lý về phía đông nam thì tàu Trung Quốc liên tục hoạt động và chiếu đèn công suất lớn vào tàu 4033 để dò xét. Tàu Trung Quốc có rất nhiều loại tại vùng biển này, đặc biệt là tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc xếp thành đội hình vòng cung bao quanh giàn khoan. Theo quan sát bằng mắt thường thì tàu cá Trung Quốc to bằng tàu kiểm ngư Việt Nam. Ngoài ra, những tàu gỗ của ngư dân Trung Quốc hành nghề câu mực cũng rất to, đánh bắt xen kẽ trong đội hình của tàu hải cảnh Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Trao quà của Chủ tịch nước cho Cảnh sát biển và Kiểm ngư Sáng 18-5, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã tới thăm hỏi, động viên và trao quà của Chủ tịch nước cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam. Báo cáo với đoàn công tác, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, tình hình trên biển xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện phía Trung Quốc duy trì khoảng 127 tàu, trong đó có thường xuyên từ 2 đến 4 tàu quân sự, còn lại là các loại tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu dịch vụ dầu khí và tàu cá để bảo vệ giàn khoan trái phép trên. Lực lượng của Trung Quốc rất đông, chủ động đâm va, gây thiệt hại cho tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển làm nhiệm vụ thực thi luật pháp trên vùng biển Việt Nam. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát biển luôn kiên định, giữ vững tinh thần, ý chí, quyết tâm bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Trong quá trình làm nhiệm vụ, Cảnh sát biển vẫn cố gắng tránh va chạm, kiên trì thực hiện các biện pháp đấu tranh trên cơ sở pháp luật Việt Nam và quốc tế; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần và tư tưởng cho việc tác nghiệp dài ngày trên biển. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng thường xuyên động viên tư tưởng, tinh thần cho anh em, cán bộ, chiến sĩ kiềm chế tối đa, bình tĩnh trước các hành vi khiêu khích; đồng thời duy trì công tác bảo đảm hậu cần và kỹ thuật phục vụ tác chiến trong mọi tình huống. Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Văn Trung, hiện phía Trung Quốc duy trì lực lượng rất đông người và phương tiện thủy xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương - 981. Nhiều tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc chủ động thực hiện các hành vi đâm, va với các tàu cá của Việt Nam; các tàu Trung Quốc thường xuyên hú còi công suất lớn, phun vòi rồng khi lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mặc dù bị tàu Trung Quốc gây hư hỏng, một số Kiểm ngư viên bị thương (12 tàu kiểm ngư bị hư hỏng, 9 kiểm ngư viên bị thương) nhưng lực lượng Kiểm ngư Việt Nam và ngư dân vẫn kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đại diện Cục Kiểm ngư cũng cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là nhận được nhiều điện thoại của nhiều người dân xung phong vào ngành Kiểm ngư; hiến kế cho các lực lượng trong quá trình làm nhiệm vụ. Tại các đơn vị đến trao quà, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời biểu dương và động viên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang ngày đêm thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Chuyển lời chúc sức khỏe của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần, ý chí, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, bình tĩnh, khôn khéo; triển khai đồng bộ các biện pháp, làm tốt công tác đấu tranh pháp lý, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam. Cờ “Hòa bình” trên nóc tàu cá ở Hoàng Sa Nhìn lá cờ màu xanh nước biển có kích cỡ gần bằng lá cờ Tổ quốc mang dòng chữ “Việt Nam hòa bình” và in trên nền cờ ấy là đôi chim hải âu vỗ cánh trên sóng biển bay phấp phới trên nóc tàu chuẩn bị ra khơi, anh Nguyễn Văn Thừa - thuyền trưởng tàu QB 91189 (Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) - xúc động: “Đẹp quá! Có thêm lá cờ này tụi tôi như có thêm ý chí khi giong tàu ra khơi. Ra đó biển cả mênh mông, vậy nên thấy tàu nào có treo lá cờ này là thấy vui, ấm lòng lắm”.
Đúng 11 giờ ngày 17-5, khi mọi công đoạn hậu cần chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến ra khơi trong vài tiếng đồng hồ nữa thì thuyền trưởng Nguyễn Văn Thừa bất ngờ nhận được lá cờ do bạn đọc báo Tuổi Trẻ trao tặng ngay tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Nhìn dòng chữ “Việt Nam hòa bình” in nổi trên nền cờ, anh Thừa nói: “Là ngư dân, chúng tôi chỉ mong muốn vậy thôi. Hòa bình và hòa bình”. Anh Thừa nói chỉ mới bốn hôm trước khi tàu của anh từ ngư trường Hoàng Sa quay trở về Đà Nẵng để bán cá và nạp nhiên liệu, đã đi ngang qua khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép. Dù đi cách xa nhưng phía Trung Quốc vẫn dùng máy bay bay sát để uy hiếp. Chạy được một đoạn lại gặp hai tàu hải giám truy đuổi. Tàu của anh Thừa phải mở hết công suất mới thoát khỏi sự truy đuổi vô lý của các tàu Trung Quốc, dù đó là vùng biển của Việt Nam. Nói rồi anh Thừa thúc giục Thành, một bạn nghề trên tàu, mang ngay lá cờ treo phía trên mũi tàu. “Nhớ là treo thấp dưới cờ Tổ quốc một tí nhé Thành. Tổ quốc là trên hết, và hòa bình là điều mà chúng ta ai ai cũng trông đợi cả” - giọng anh Thừa sang sảng giữa boong tàu đầy ắp ngư cụ. Cùng tâm trạng như anh Thừa, trên tàu cá QNg 94799 đang neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, chàng trai trẻ 27 tuổi Võ Thiện (Đức Phổ, Quảng Ngãi) phấn khởi: “Cờ Tổ quốc là cờ khẳng định chủ quyền, còn lá cờ màu xanh này thể hiện khát vọng hòa bình. Vậy nên phải treo cao lên để cờ “no” gió chứ”. Nói rồi Võ Thiện thoăn thoắt trèo lên trên cabin tàu lấy dây, cán buộc chặt lá cờ hòa bình. Thông điệp mà ngư dân Việt đưa ra đã thể hiện rất rõ trên mỗi lá cờ, đó là “Hòa bình”. Điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngư dân không muốn xung đột xảy ra trên vùng biển của mình. Họ không muốn bị tàu quân sự, tàu ngư chính Trung Quốc truy đuổi khi đang thả lưới, quăng câu. Họ thật sự muốn kéo những mẻ cá đầy ắp. Và những lá cờ ấy đã nói lên hết những ước nguyện của họ trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền trên Biển Đông. |
TTXVN, TN, TT