Trước tình hình dịch tai xanh tái xuất hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã chủ động thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch; tập trung tây uế, vệ sinh chuồng trại; tổ chức tiêm phòng một số loại bệnh...
Trước tình hình dịch tai xanh tái xuất hiện trên địa bàn tỉnh, huyện Bình Giang đã chỉ đạo ban chăn nuôi thú y các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch tại các hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng lợn ốm, chết. Cán bộ thú y chủ động hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách vệ sinh phòng dịch. Các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ chăn nuôi và các hộ kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm cam kết không giết mổ, vận chuyển, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc, không giấu dịch và vứt xác lợn chết ra môi trường... Trạm Thú y huyện đã cấp phát 1.080 lít thuốc tiêu độc, khử trùng và tổ chức phun thuốc tại các chợ, khu giết mổ gia súc, gia cầm, các trang trại chăn nuôi lớn, nơi phát sinh ổ dịch cũ. Các xã, thị trấn kiện toàn ban chăn nuôi thú y, tổ chức tiêm phòng bệnh dịch tả, tụ dấu cho đàn lợn phát sinh.
● Huyện Thanh Miện đã kiện toàn ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn phun thuốc tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn huyện, chú trọng đến ổ dịch cũ, điểm công cộng, chợ, khu vực giết mổ gia súc. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về các dấu hiệu của bệnh tai xanh, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống và chữa trị, cách chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến cáo người dân không nên nuôi mới khi đang mùa dịch. Khuyến khích nhân dân chủ động trong việc tiêm phòng mới và bổ sung cho đàn lợn.
● Thanh Hà từng bị dịch tai xanh. Huyện đã cấp phát 300 kg thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn để phun phòng. Khuyến cáo nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện "5 không": không giấu dịch, không mua bán, trao đổi lợn bị bệnh, không giết mổ lợn bị bệnh, không ăn tiết canh, thịt lợn ốm, không vứt xác lợn chết bừa bãi. Các hộ chăn nuôi cần bổ sung chế độ ăn uống cho đàn lợn để tăng sức đề kháng.
PV