Các nơi chống rét cho cây trồng, vật nuôi

22/01/2016 16:14

Để tránh thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, người dân trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi.




Nông dân xã Quyết Thắng (Thanh Hà) rắc tro bếp giữ ấm cho mạ


Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 23 đến 27-1 các khu vực trong tỉnh xuất hiện đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất từ 6-8 độ C, cao nhất từ 15-16 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại có cường độ mạnh, kéo dài nhất từ đầu mùa tới nay. Để tránh thiệt hại, người dân trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp chống rét, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Bảo vệ diện tích mạ trà xuân sớm

Trước diễn biến xấu của thời tiết, nông dân nhiều xã của huyện Thanh Hà đã xuống đồng chăm sóc, bảo vệ mạ trà sớm. Nhằm bảo đảm cơ cấu mùa vụ, hạn chế cấy trà xuân sớm, tăng trà xuân muộn, đến nay toàn huyện mới gieo 34 ha mạ dược. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện yêu cầu các xã chỉ đạo nông dân chỉ cấy khi mạ đủ 6 lá và nhiệt độ ngoài trời trên 15 độ C. Đồng thời, việc dự phòng các giống lúa ngắn ngày để đề phòng mạ bị chết rét cũng được tính đến. Đối với cây vải, nông dân tiếp tục xử lý lộc đông, giúp cây phân hóa mầm. Còn trà vải sớm đã ra hoa nên bổ sung phân lân, kali để giữ ấm.

Là địa phương có diện tích cấy mạ dược lớn nhất huyện nên nông dân xã Quyết Thắng có nhiều kinh nghiệm trong việc giữ mạ qua đông. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Hoàng Xá đang rắc tro bếp lên luống mạ nói: "Nếu muốn giữ ấm cho mạ vừa gieo hơn chục ngày chỉ cần giữ lượng nước trong ruộng vừa phải. Nếu nhiệt độ xuống thấp hơn, nước giá buốt thì phải tháo bớt nước. Còn đối với mạ chỉ còn vài ngày nữa được cấy chúng tôi dùng tro bếp rắc một lớp mỏng để giữ ấm và xanh. Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Phần lớn nông dân cấy bằng mạ dược nên năm nào xã cũng chỉ đạo chống rét cho mạ bằng cách che phủ ni lông, hạn chế tưới đạm. Đợt rét này, xã yêu cầu HTX Dịch vụ nông nghiệp tích cực thăm đồng, kiểm tra trà mạ đã gieo, Đài Truyền thanh xã tăng tuyên truyền về thời tiết, cách chống rét cho cây trồng, vật nuôi".

Xã Cổ Dũng (Kim Thành) đã cấy xong 60% diện tích lúa chiêm xuân. Theo ông Dương Danh Chùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp, do xã cấy lúa nếp vào vụ mùa trong khi vẫn phát triển cây vụ đông nên để linh hoạt về thời gian, nông dân thường cấy lúa xuân sớm hơn so với lịch thời vụ. Trước tình hình thời tiết này, với diện tích ruộng đã cấy, HTX yêu cầu bà con tập trung dưỡng lúa, bảo đảm mực nước trong ruộng từ 5-7cm. Với diện tích ruộng chưa cấy, HTX lùi lịch lấy nước, người dân tạm thời không làm đất, theo dõi thời tiết để chăm sóc mạ.



Bà Nguyễn Thị Chuyên ở thôn Mạc Xá, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) che ni lông phòng chống rét cho ruộng mạ mới gieo


Ngay từ sáng sớm, nông dân các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc đã khẩn trương xuống đồng đối phó với mưa rét. Hầu hết diện tích mạ đã được người dân dùng ni lông trắng che phủ. Đang nhanh tay kéo tấm ni lông cho ruộng mạ mới gieo được 2 ngày, bà Nguyễn Thị Chuyên ở thôn Mạc Xá, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) cho biết: "Năm trước do không kịp che chắn khi nhiệt độ xuống thấp nên 1 phần diện tích mạ của gia đình đã bị chết, phải gieo lại nên chậm thời vụ mấy ngày. Rút kinh nghiệm, năm nay vừa gieo xong nửa sào mạ Bắc thơm tôi đã mua cọc tre, ni lông dự trữ để khi cần là có thể sử dụng được ngay". Ngoài che phủ ni lông, nông dân ở các địa phương đã chủ động đưa nước vào ruộng để giữ ấm cho mạ và chuẩn bị rắc tro bếp nếu nhiệt độ tiếp tục giảm sâu.

Giữ ấm cho vật nuôi



Các hộ chăn nuôi dùng bạt che chắn chuồng trại tránh gió lùa


Anh Nguyễn Văn Tưởng, chủ trang trại thủy sản ở thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc) cho biết: "Giữ ấm cho cá là vất vả nhất bởi nhiệt độ nước rất khó kiểm soát. Ngay từ đầu đông, tận dụng thời tiết nắng ấm tôi đã khử trùng nước ao, đáy ao bằng chế phẩm sinh học để khi vào đông cá không bị nấm. Ngoài ra, phải thường xuyên bổ trợ men vi sinh để cá có thành ruột ổn định, hấp thụ thức ăn tốt hơn, tăng sức đề kháng. Hiện nay, các hộ thường nuôi kết hợp, đa tầng, trong khi mỗi loại cá lại có nhiệt độ thích ứng riêng, đặc biệt là cá rô phi lai, cá chim rất mẫn cảm với thời tiết nên nhiệt độ nước phải bảo đảm trên 20 độ C. Để nước ấm, chúng tôi thường bơm bổ sung nước giếng khoan hoặc tăng cường sục nước để cân bằng nhiệt độ. Nếu nhiệt độ xuống quá thấp thì thả bèo tây, tạo chỗ trú ngụ cho cá".

Trang trại nuôi lợn của ông Chu Trọng Thứ ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã được che chắn bạt để ngăn gió lạnh. Như nhiều năm trước, trong những ngày này ông thắp thêm bóng điện để sưởi ấm cho vật nuôi. Chế độ ăn uống trong những ngày này cũng được chú trọng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.



Mỗi ngày chị Phạm Thị Dung ở thôn Trung, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) thắp điện sưởi ấm cho gà


Ngay từ đầu mùa đông, trang trại nuôi gà trắng của chị Phạm Thị Dung ở thôn Trung, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) đã chuẩn bị phương án chống rét. Hiện nay trang trại đang nuôi 6.000 gà lông trắng, chuồng trại luôn được che chắn kín nhằm tránh gió lùa và sẽ thắp thêm bóng điện sưởi ấm khi rét đậm. Mỗi dãy chuồng rộng 2.000 m2 chị thắp từ 50-100 bóng đèn tròn và đốt lò sưởi bằng than để giữ nhiệt. Chị Dung chủ động tăng lượng thức ăn, cho gà uống đủ nước sạch có bổ sung thêm đường gluco, các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để tăng cường khả năng phòng chống bệnh cho gà. Những ngày này, chị Dung thường xuyên thay chất độn chuồng và phun tiêu độc khử trùng định kỳ. Chị cho biết: "Mỗi tháng chi phí thắp điện sưởi ấm lên tới 20 triệu đồng, nhưng để đàn gà phát triển ổn định thì các hộ chăn nuôi chấp nhận phải đầu tư".

Theo anh Vũ Văn Điệp, người nuôi lợn ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang), để tránh rét cho đàn lợn điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chuồng trại luôn ấm, tránh gió lùa. Năm trước, do chủ quan nên đàn lợn của gia đình anh bị mắc bệnh thương hàn, ho... làm lợn chậm lớn. Năm nay, ngay khi nghe tin nhiệt độ xuống thấp, anh đã huy động người thân căng bạt che chắn chuồng trại, không để gió lùa nhất là về ban đêm; không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn. "Khi nhiệt độ xuống thấp, tôi che bạt kín. Nếu có nắng ấm mới kéo bạt lên để vệ sinh chuồng trại và bảo đảm thông thoáng", anh Điệp cho biết.



Gà đồi ở Chí Linh được tăng khẩu phần ăn để đủ sức đề kháng chống rét


Các hộ chăn nuôi gà đồi ở xã Bắc An (Chí Linh) đã khẩn trương phòng chống rét, bảo vệ đàn gà đồi. Ông Nguyễn Thành Chung ở thôn Cổ Mệnh cho biết: "Gia đình tôi có hơn 7.000 con gà đồi chuẩn bị xuất chuồng phục vụ Tết. Ngay khi nhận được chỉ đạo của UBND thị xã về phòng chống rét đậm, rét hại tôi đã chủ động che bạt xung quanh chuồng nuôi để tránh gió lùa. Ban đêm tôi thắp điện và hằng ngày bổ sung khoáng chất để tăng cường miễn dịch và tránh rét cho đàn gà. Cách một ngày tôi lại rắc thuốc khử trùng, rắc trấu trên nền chuồng để sưởi ấm cho gà". Ông Tống Văn Học ở thôn Bãi Thảo 2 cho biết: "Gia đình tôi đã đầu tư lò sưởi để tránh rét cho hơn 3.000 con gà mái và 2.000 gà mới nở. Đối với đàn gà mái, gia đình tôi sử dụng trấu, mùn cưa để lót ổ đẻ. Gà mới nở do khả năng chống rét kém nên tôi phải quây lửa sưởi ấm và úm trong lò sưởi thường xuyên để gà con cứng cáp, đủ sức chống chọi với bệnh tật".

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo tuyên truyền các biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên tổng vệ sinh, quét dọn, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi...


PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các nơi chống rét cho cây trồng, vật nuôi