Qua 5 năm, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đã tăng bình quân 14,8%/năm, vượt 1,8% so với kế hoạch. Một số lĩnh vực dịch vụ tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng như: Xuất khẩu, bưu chính-viễn thông, vận tải, tài chính, bảo hiểm…
|
5 năm qua, dịch vụ vận tải trên địa bàn phát triển với tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
|
Nhiệm vụ phát triển các ngành dịch vụ ở tỉnh ta trong 5 năm qua được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó khăn, thuận lợi đan xen. Đặc biệt, trong giai đoạn này, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động bất lợi; thời tiết, dịch bệnh và thị trường diễn biến phức tạp, khó lường; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Với quyết tâm cao, các ngành dịch vụ đã vượt lên khó khăn phát triển nhanh, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Qua 5 năm, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đã tăng bình quân 14,8%/năm (mục tiêu là 13%/năm). Một số lĩnh vực dịch vụ tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng như: Xuất khẩu, bưu chính - viễn thông, vận tải, tài chính, bảo hiểm… Thương mại nội địa phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 22%/năm. Kết cấu hạ tầng thương mại ngày càng được quan tâm đầu tư cả về quy mô và chất lượng. Trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 4 siêu thị, 176 chợ hoạt động hiệu quả; một số chợ đầu mối nông sản cấp tỉnh đang tiếp tục được triển khai xây dựng theo quy hoạch. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu 5 năm đạt 2 tỷ 724 triệu USD, tăng 49%/năm (mục tiêu 25%/năm); cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
Hoạt động du lịch phát triển khá, năm 2010 ước đạt 2,17 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 20,6%/năm. Trong đó, lượng khách lưu trú bình quân tăng 17,8%/năm (kế hoạch 18%/năm), khách quốc tế tăng bình quân 18,7%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch tăng 15,2%/năm (kế hoạch 22%/năm). Các cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 110 khách sạn (tăng 37 khách sạn) với 2.550 phòng nghỉ (tăng 1.010 phòng so với năm 2006). Dịch vụ bưu chính - viễn thông phát triển mạnh, doanh thu tăng bình quân 29,9%/năm (kế hoạch 24 - 25%).
Trong giai đoạn này, dịch vụ vận tải cũng phát triển nhanh, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia với nhiều loại hình. Giá trị sản xuất ngành vận tải tăng bình quân 32%/năm; các chỉ tiêu về khối lượng hàng hoá, hành khách vận chuyển và luân chuyển đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến năm 2010, toàn tỉnh có gần 10 nghìn phương tiện vận tải các loại, tốc độ tăng bình quân 20,3%/năm. Đã đưa vào khai thác 15 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt đang khai thác lên 16 tuyến từ TP Hải Dương đến các huyện, tỉnh lân cận; mở mới 22 tuyến xe khách cố định đến các tỉnh. Đến năm 2010, giá trị sản xuất ngành vận tải ước đạt 2.880 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra (kế hoạch 2.031 tỷ đồng), tăng bình quân 32%/ năm; các chỉ tiêu về khối lượng hàng hóa và hành khách vận chuyển tăng 21,69% và 22%.
Dịch vụ tài chính, ngân hàng có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. 5 năm qua đã có thêm 16 chi nhánh ngân hàng thương mại, 5 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được thành lập và đi vào hoạt động. Nâng tổng số lên 20 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng phát triển, 72 quỹ tín dụng nhân dân, với hơn 200 điểm giao dịch, 133 máy ATM đang hoạt động. Tổng nguồn vốn huy động tăng bình quân 47,45%/năm. Trong đó, nguồn vốn huy động tại chỗ tăng bình quân 47,98% (kế hoạch 20%/năm). Tổng dư nợ cho vay tăng bình quân 42%/năm (kế hoạch 25%/năm). Chất lượng tín dụng được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm dần qua các năm. Dịch vụ bảo hiểm phát triển, tổng doanh thu bảo hiểm tăng bình quân 22%/năm (kế hoạch 24-25%).
Giai đoạn 2006-2010, nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong tất cả các loại hình dịch vụ tiếp cận được thị trường quốc tế. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hòa nhập với môi trường này, tỉnh đã thành lập và ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Nhờ đó, đã góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu giải đáp được một số thắc mắc có liên quan đến hệ thống đo lường chất lượng cũng như những kiến thức cơ bản về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, tạo hành trang cho sự hội nhập của các doanh nghiệp.
Cùng với những kết quả đã đạt được, phát triển kinh tế dịch vụ trên địa bàn còn một số hạn chế. Đó là, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực cạnh tranh của một số ngành dịch vụ còn yếu; hạ tầng còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số ngành chưa thực hiện được chỉ tiêu như dự kiến ban đầu. Để các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh cần phát triển đa dạng các loại hình; đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Phấn đấu giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 14%/ năm. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành dịch vụ. Xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các loại hình dịch vụ mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Chú trọng khai thác thị trường nội địa, mở rộng thị trường nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng... theo hướng xã hội hóa, tăng cường liên kết và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.
TIẾN HUY