Sau hơn 1 tháng bị sụt giảm mạnh bởi thảm họa kép động đất-sóng thần, đến nay các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được khôi phục, công nhân đã được làm việc trở lại...
Sau thảm họa động đất, sóng thần, nhu cầu hàng dệt may của thị trường Nhật Bản
tăng mạnh, tạo cơ hội xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương
Công nhân của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam phấn khởi khi được tiếp tục đi làm sau những ngày phải nghỉ việc do ảnh hưởng của thảm họa kép động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Tại các phân xưởng lắp ráp của công ty, công nhân hăng hái lao động để hoàn thành vượt chỉ tiêu sản xuất, đáp ứng nhu cầu của các bạn hàng Nhật Bản. Thời gian qua, ảnh hưởng thảm họa kép ở Nhật Bản đã làm giảm các đơn hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất ô-tô lớn của Nhật như: Toyota, Honda, Nissan… Ông Vũ Ngọc Linh, Trưởng phòng kinh doanh của công ty cho biết: “Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản và những hệ lụy kéo dài của nó đã có ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty Nhật Bản và ảnh hưởng gián tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản như chúng tôi. Nếu không phải chịu tác động của thảm họa kép, tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý II của công ty sẽ đạt hơn 60 triệu USD. Tuy nhiên, do các đơn hàng bị gián đoạn nên doanh thu chỉ đạt hơn 60% kế hoạch đề ra, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Sau thảm họa, khi nhu cầu hàng hóa của phía đối tác Nhật Bản tăng trở lại, Ban giám đốc công ty đã lên kế hoạch sản xuất, phối hợp với doanh nghiệp đối tác bảo đảm cung cấp hàng hóa đúng thời gian để các doanh nghiệp này tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ước đạt hơn 18 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với tháng 3 và tháng 4. Hiện các bộ phận sản xuất của công ty đã ổn định sản xuất. Sau gần 1 tháng nghỉ việc, công nhân đã được làm việc trở lại. Doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với các đối tác để xuất hàng đúng thời gian quy định.
Thảm họa kép ở Nhật Bản cũng có tác động không nhỏ hoạt động của Công ty CP Xuất, nhập khẩu TMD (Gia Lộc). Trong tháng 3 và tháng 4, thị trường xuất khẩu sang các vùng của Nhật Bản bị thu hẹp, các mặt hàng cao cấp bán sang thị trường Nhật Bản giảm sút. Tuy nhiên, sau thảm họa, một số mặt hàng nông sản chế biến thông dụng như: dưa chuột muối, ớt tươi, măng khô, đồ gỗ gia dụng... lại tăng giá trị và số lượng các đơn đặt hàng. Người Nhật có tâm lý đề phòng thực phẩm có nguồn gốc tại địa phương bị nhiễm xạ nên các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp hiện đang có nhiều lợi thế tại thị trường Nhật Bản. Trong tháng qua, các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện doanh nghiệp đã ký được gần 10 hợp đồng xuất khẩu. Ông Đàm Bá Lộc, Giám đốc công ty cho biết: “Do ảnh hưởng động đất, sóng thần nên nhiều nhà máy của Nhật Bản bị hư hỏng nặng, để khôi phục sản xuất phục vụ tiêu dùng, các doanh nghiệp Nhật Bản phải mất thời gian dài. Đây cũng là cơ hội để kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ta tăng mạnh. Doanh nghiệp đang mở rộng thị trường sang các vùng phía nam của Nhật".
Nhu cầu nhiều mặt hàng thiết yếu tại Nhật Bản cũng có xu hướng tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc như TBT, Formostar... trước đây chưa xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, nay có cơ hội ký hợp đồng với nhiều đối tác của nước này.
Theo Cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sang Nhật Bản quý 1 ước đạt 162 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 48 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong quý II, do nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như: thực phẩm, hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, nội thất... của thị trường Nhật Bản tăng mạnh, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này của tỉnh ta sẽ tăng 15% so với quý I. Thời gian qua, thảm hoạ kép ở Nhật Bản tuy có gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhưng sau đó cũng tạo điều kiện để một số sản phẩm của các doanh nghiệp như: lợn sữa đông lạnh, hoa quả chế biến, quần áo, da giày có điều kiện tăng kim ngạch xuất khẩu sang nước này. Theo ông Mai Xuân Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: “Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của tỉnh ta. Khi thị trường này biến động, các doanh nghiệp có mối quan hệ làm ăn với Nhật Bản đã gặp không ít khó khăn. Thị trường Nhật Bản lại không phải là thị trường "dễ tính". Vì vậy, muốn tăng thị phần xuất khẩu sang Nhật, thời gian tới các doanh nghiệp trong tỉnh cần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, trong thời điểm người Nhật đang phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi tiêu để tái thiết đất nước, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cũng cần chú trọng tới giá cả sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản ở tỉnh ta có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, giá nhân công… để hạ giá thành sản phẩm nên cơ hội xuất khẩu sang Nhật trong thời điểm này rất lớn”.
LAN ANH - THÀNH LONG