Trong thời gian từ năm 1946 - 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm Hải Dương và đi đến 14 địa điểm tại các xã, huyện.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Chính (Nam Sách) mới được đầu tư
Ảnh: Minh Mẫn
Mỗi lần Bác về là một kỷ niệm sâu sắc đối với cán bộ và nhân dân địa phương đó. Đồng thời, nơi đó lại dấy lên phong trào thi đua lao động, sản xuất.
Sau ngày Bác qua đời, tỉnh đã cho các địa phương từng được đón Bác về thăm xây dựng các công trình lưu niệm, tưởng niệm để giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân.
Đầu năm 1971, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) đã phát động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên mảnh đất Người đã về thăm ngày 26-7-1962. Tượng cao 5,7 m2 (cả bệ), chất liệu bê-tông cốt thép. Công trình khởi công ngày 10-6-1971 và khánh thành vào ngày 6-2-1972. Huyện Ninh Giang đang có chủ trương xây dựng lại tượng đài với quy mô to đẹp hơn.
Năm 1980, tỉnh tiếp tục giao cho Ty Văn hóa nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử xây dựng nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích chùa Côn Sơn (Chí Linh) trên cơ sở giữ lại ngôi nhà cũ của tăng ni. Tại đây, ngày 15-2-1965 , Bác đã về thăm và nghỉ trưa. Công trình gồm 4 gian nhà nhỏ xây gạch đơn sơ, lợp rạ nằm trong khu nội tự của di tích. Năm 2004, thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Côn Sơn, được sự nhất trí của các cấp, Ban Quản lý di tích đã cho giải hạ ngôi nhà để phục dựng hành lang cũ của chùa.
Năm 1997, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, xã Ái Quốc (Nam Sách) đã phát động xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Vũ Thượng, nơi Bác đã về thăm ngày 31-5-1957. Công trình đặt trong khuôn viên rộng 1.281 m2, chất liệu bê-tông cốt thép. Tại đây có tượng Bác và 93 tài liệu, hiện vật lịch sử gắn liền với truyền thống yêu nước của cán bộ, nhân dân xã Ái Quốc.
Năm 1998, để phục vụ khách tham quan, nhất là các em học sinh phổ thông, Bảo tàng Hải Dương đã xây dựng phòng trưng bày chuyên đề "Bác Hồ với Hải Dương và Hải Dương với Bác Hồ". Phòng trưng bày giới thiệu đầy đủ hình ảnh, hiện vật liên quan tới 5 lần Bác về thăm và làm việc tại Hải Dương. Trong đó, hiện vật gây xúc động nhất là chiếc guồng nước bằng gỗ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng một số cán bộ lãnh đạo tỉnh tham gia chống úng tại xã Hiệp Lực (Ninh Giang), ngày 26-7-1962.
Năm 2010, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Sách tiếp tục xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Chính, nơi đây ngày 15-2-1965, Bác đã về thăm. Công trình gồm 5 gian, chất liệu bê-tông cốt thép. Gian giữa đặt tượng Bác trong tư thế ngồi đọc báo, các gian còn lại sẽ giới thiệu hình ảnh, tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của xã Nam Chính (Nam Sách).
Năm 2011, để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, Đảng ủy và UBND xã Hồng Thái (Ninh Giang) đã xin cơ quan có thẩm quyền cho hạ giải đài tưởng niệm cũ để xây dựng mới nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi Bác đã về thăm ngày 15-2-1965. Công trình gồm 5 gian, chất liệu gỗ lim, mái lợp ngói mũi. Hiện công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngoài những công trình tưởng niệm nêu trên, có không ít làng, xã tự đặt tượng, treo ảnh thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các đình, chùa, đền, miếu. Hình thức phổ biến là đặt tượng thạch cao bán thân tại gian thờ chính và đầu hồi các di tích. Có nơi đắp tượng Bác ngồi trên tòa sen, kích thước như người thật hoặc đưa tượng vào long đình để rước trong ngày hội làng theo tín ngưỡng dân gian. Lễ cúng và văn khấn được sắp đặt tùy theo cách hiểu mỗi người. Theo đó, việc tôn vinh Bác có xu hướng ngày càng đa dạng và phức tạp.
Đầu năm 2011, tại thôn Vân Độ, xã Trùng Khánh (Gia Lộc), gia đình ông Vũ Nguyên Bẩy tự nguyện đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng đền thờ Bác Hồ và các liệt sĩ tại khuôn viên chùa làng. Do không được cấp có thẩm quyền cho phép nên việc khánh thành công trình gặp khó khăn. Sau nhiều cuộc họp từ xã tới huyện mới đi đến thống nhất đổi tên thành "Nhà truyền thống thôn Vân Độ". Đây chính là bài học sâu sắc về việc quản lý văn hóa ở cơ sở.
Việc tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cần được trân trọng. Song, xây dựng công trình gì, ở đâu và chọn mẫu tượng nào để thờ là việc cần được nghiên cứu thấu đáo.
Để quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả di tích Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền các địa phương cần tiến hành rà soát những địa điểm Bác về thăm, lựa chọn hình thức tôn vinh cho phù hợp (nhà tưởng niệm, xếp hạng di tích, dựng tượng đài, gắn bia, biển). Đối với di tích trọng điểm cho mở rộng khuôn viên, trồng cây ăn quả kết hợp với trồng hoa tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp. Giao cho các trường phổ thông, tổ chức Đoàn, Đội tham gia quản lý, phát huy vai trò giáo dục truyền thống của di tích. Thông qua công tác dân vận, giải thích rõ cho nhân dân hiểu không nên đặt ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các di tích lịch sử bởi Bác là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người luôn gần gũi với nhân dân lao động, không phải là phật, là thánh.
AN VĂN MẬU