Bạn cảm thấy khó nuốt, mệt mỏi kéo dài, ho mãi không dứt hay xuất hiện các khối u, nốt ruồi bất thường?
Bất cứ khi nào nhận thấy một vấn đề bất ổn, bạn hãy để ý cẩn thận và đi khám nếu tình trạng kéo dài hoặc trầm trọng. Mọi loại bệnh tật, đặc biệt là ung thư, đều dễ chữa khỏi hơn khi phát hiện sớm.
Sốt kéo dài là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Ảnh minh họa
1. Dấu hiệu ung thư ở cả nam và nữ
- Mất cảm giác thèm ăn: Trong nhiều trường hợp, từ trầm cảm tới cảm cúm, bạn có thể thấy không muốn ăn. Ung thư có thể gây ra phản ứng này vì cơ chế trao đổi chất (chuyển hóa thức ăn thành năng lượng) bị tác động.
Ung thư dạ dày, tụy, đại tràng, buồng trứng cũng gây áp lực lên dạ dày và khiến bạn luôn có cảm giác đầy bụng.
- Máu trong phân: Hiện tượng này có thể do khối u, trĩ, viêm nhiễm hoặc vết thương. Máu khởi phát từ đâu đó trong ống tiêu hóa của bạn như thực quản, dạ dày, ruột.
Một cách để đoán xem máu xuất phát từ đâu dựa vào độ đậm nhạt. Máu nhạt bắt nguồn từ trực tràng trong khi máu có màu sẫm hơn có thể từ u dạ dày.
Dù nguyên nhân là gì, khi có tình trạng này, bạn cần phải đi khám, nội soi đại tràng hoặc làm các kiểm tra khác, để tìm ra vấn đề.
- Máu trong nước tiểu: Đây là dấu hiệu cảnh báo có bất ổn ở hệ tiết niệu. Ung thư thận hoặc bàng quang có thể gây ra hiện tượng đó nhưng cũng có thể bạn bị viêm nhiễm, sỏi thận hoặc một bệnh liên quan tới thận.
- Ho mãi không dứt: Một cơn cảm lạnh hoặc cúm khiến bạn ho kéo dài nhưng đó cũng là biểu hiện của ung thư phổi nếu có thêm các dấu hiệu như đau ngực, sụt cân, khản giọng, mệt mỏi, khó thở.
- Rất mệt mỏi: Đó là triệu chứng phổ biến nhất của mọi loại ung thư. Khi bạn giảm cường độ công việc, kéo dài thời gian ngủ nghỉ, sự mệt mỏi vẫn không bớt đi, bạn nên tới bệnh viện.
- Sốt nhiều ngày: Nhiệt độ cơ thể tăng lên nghĩa là bạn đang bị viêm nhiễm. Nhưng một số loại ung thư gan, thận, hạch bạch huyết cũng dẫn tới sốt. Nếu thân nhiệt trên 38 độ C vài ngày, bạn cần đi kiểm tra.
Dù không gây đau, khối u ở cổ vẫn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh. Ảnh minh họa
- Nổi u ở cổ: Đó có thể do viêm nhiễm hoặc ung thư ở khoang miệng, vòm họng, tuyến giáp, dây thanh quản. U này thường không gây đau nên hay bị bỏ qua.
- Đổ mồ hôi đêm: Đây có khả năng là dấu hiệu của phụ nữ mãn kinh nhưng cũng là triệu chứng của ung thư hoặc viêm nhiễm.
- Thay đổi trên da: Bạn nên đi khám chuyên khoa nếu nốt trên da bỗng nhiên phát triển lớn hoặc dày hơn, đổi màu, có đường viền bao quanh trông kỳ lạ, có vảy, chảy máu mãi không lành.
- Nuốt khó: Cảm giác giống như một cục vướng ở cổ họng khiến bạn khó ăn uống. Đó là dấu hiệu của ung thư thực quản.
- Giảm cân không chủ ý: 40% người bệnh ung thư bị giảm cân đột ngột dù không thay đổi chế độ sinh hoạt. Bạn cần đi kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân của sự thay đổi.
2. Dấu hiệu ung thư ở nam giới:
- Máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch: Viêm nhiễm, sỏi thận, vết thương và các hạch tuyến tiền liệt có thể gây ra chảy máu. Khả năng ít gặp hơn, ung thư tuyến tiền liệt hoặc bàng quang là thủ phạm.
- Đau khi đi tiểu: Có thể bạn bị viêm nhiễm hoặc sưng ở tuyến tiền liệt hoặc niệu đạo. Đây cũng là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt.
3. Dấu hiệu ung thư ở nữ giới
- Ngực nổi cục hoặc có sự thay đổi: Mặc dù đây là triệu chứng tiêu biểu của ung thư vú nhưng phần lớn khối u không phải ung thư. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tới gặp bác sĩ nếu thấy bất cứ sự khác thường nào ở ngực như da đỏ, tức ngực, núm vú thay đổi, u dưới cánh tay, chảy dịch từ núm vú.
- Chảy máu giữa hai kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh: Hiện tượng chảy máu từ âm đạo đi theo chu kỳ ở phụ nữ đang độ tuổi sinh nở. Nếu điều này xảy ra không theo quy luật, khả năng người phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung hoặc cổ tử cung.
Theo Vietnamnet