Mặc dù sản lượng cà rốt không bằng những năm trước do thời tiết không thuận nhưng giá lại khá cao và ổn định khiến nông dân phấn khởi.
Nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) thu hoạch nốt diện tích cà rốt vụ xuân
Ảnh: Nguyễn Thiện Tín
Năm nay, huyện Cẩm Giàng trồng gần 600 ha cà rốt, tập trung chủ yếu ở các xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Sơn, Cẩm Vũ… Mặc dù sản lượng cà rốt không bằng những năm trước do thời tiết không thuận nhưng giá lại khá cao và ổn định khiến nông dân phấn khởi.
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng cà rốt rộng 110 ha, ông Nguyễn Văn Mịch, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn giới thiệu: “Hiện nay, toàn xã có gần 1.000 hộ trồng cà rốt. Vụ xuân năm nay, cà rốt được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân”. Đang khẩn trương thu hoạch cà rốt, chị Hoàng Thị Sao ở thôn Uyên Đức cho biết: “Vụ này, gia đình tôi trồng gần 8 sào cà rốt, mỗi sào cho thu hoạch từ 1,2 - 1,4 tấn, giá bán từ 5.000 - 5.500 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 20 triệu đồng".
Đức Chính là xã có diện tích trồng cà rốt lớn nhất huyện. Xã có hơn 1.400 hộ trồng với diện tích trên 375 ha. Nhiều hộ trong xã đã có cuộc sống khá giả nhờ cây trồng này. Ông Phùng Đức Soát ở thôn An Phú trồng 3,7 mẫu cà rốt. Hiện nay, gia đình ông đã thu hoạch gần hết diện tích trên. Ông Soát phấn khởi: “Vụ xuân năm 2014, năng suất cà rốt đạt 2 tấn/sào nhưng giá bán thấp, chưa đến 2.000 đồng/kg. Năm nay, mặc dù năng suất thấp hơn nhưng giá bán cao nên chúng tôi thu nhập cao hơn”. Chi phí đầu tư cho một sào cà rốt mất khoảng 2,5 triệu đồng, với giá bán 5.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng/sào. Ở Đức Chính có 270 hộ đi thuê đất ở các địa phương khác trồng cà rốt.
Cà rốt đang là một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số xã ở huyện Cẩm Giàng. Nông dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên cà rốt sinh trưởng và phát triển ổn định. Mặt khác, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các tư thương về thu mua tận nơi, giúp nông dân giảm chi phí vận chuyển, yên tâm sản xuất. Trên địa bàn các xã chuyên canh cây cà rốt hiện có khoảng 20 cơ sở thu mua, sơ chế cà rốt xuất đi các nơi.
Chị Phạm Thị Lý, chủ một cơ sở thu mua cà rốt ở thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn) cho biết, từ đầu vụ đến nay, cơ sở của chị đã thu mua được khoảng 700 tấn cà rốt. Cà rốt chủ yếu được thu mua ngay tại ruộng rồi vận chuyển về cơ sở chế biến, đưa vào dây chuyền làm vệ sinh, chọn lọc củ, sau đó đóng gói và chuyển đi các nơi. Vào đầu vụ, hơn 10 lao động làm không hết việc, mỗi ngày cơ sở của chị xuất 3-4 xe container cà rốt.
Mặc dù cà rốt vụ xuân năm nay được giá nhưng nông dân còn nhiều băn khoăn, nhất là đầu ra vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Chỉ khi có thị trường ổn định, người trồng cà rốt mới có thể yên tâm sản xuất.
ĐỨC TÂM