Nhờ có đất phù sa màu mỡ và kỹ thuật trồng cây an toàn, cà rốt Đức Chính đã được nhiều người tiêu dùng cả trong và ngoài nước biết tới.
Sản phẩm cà rốt của xã Đức Chính có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cà rốt của địa phương khác nên được thị trường ưa chuộng
Năng suất cao
Vụ này, bà Hồ Thị Nguyệt ở thôn Xuân Kiều trồng hơn 1 mẫu cà rốt. Theo bà Nguyệt, đầu vụ, mưa nhiều nên phần lớn diện tích cà rốt phải gieo lại. Sau đó, thời tiết thuận lợi, ít mưa, đất tơi xốp nên cà rốt được mùa, năng suất cao, mẫu mã đẹp. Cà rốt được thương lái thu mua tại ruộng với giá trung bình 2.000 đồng/kg, không cao bằng những năm trước. "Mặc dù vậy, sau khi trừ chi phí, chúng tôi vẫn thu lãi khoảng 1,7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa", bà Nguyệt nói.
Vụ đông năm nay, xã Đức Chính có 1.600 hộ trồng 360 ha cà rốt, trong đó có 23,6 ha cà rốt được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến ngày 20.2 nông dân trong xã đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích cà rốt, năng suất đạt 2 tấn/sào, cao hơn từ 3-5 tạ/sào so với cà rốt trồng ở nhiều nơi khác. Cà rốt được mùa nhưng giá bán lại thấp hơn so với năm trước do thị trường Trung Quốc ngừng thu mua. Mọi năm, cà rốt được xuất bán sang thị trường Trung Quốc nhưng năm nay, sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết để có được năng suất cao, HTX thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng rau an toàn cho nông dân. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất rau sạch từ khâu chọn giống, làm đất đến chăm bón và thu hoạch. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều được người nông dân ghi chép rõ ràng, bảo đảm thời gian cách ly sau khi phun thuốc. "Các loại phân được sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ chất lượng cao nhằm phục hồi cấu trúc đất và nâng cao độ phì nhiêu cho đất nên cây có sức kháng chịu sâu bệnh tốt. Đến nay, đã có 10 đơn vị đứng ra thu mua cà rốt cho nông dân với số lượng 300-400 tấn/ngày", ông Thuật cho biết thêm.
Đến ngày 20.2, nông dân xã Đức Chính đã thu hoạch khoảng 50 % diện tích cà rốt
Chất lượng tốt
Hiện nay, xã Đức Chính có diện tích trồng cà rốt lớn nhất tỉnh và là địa phương có vựa cà rốt sạch lớn nhất miền Bắc. Chất đất để trồng cà rốt ở đây từng được một chuyên gia của Nhật Bản khẳng định là "không nơi nào có được", bởi lượng phù sa màu mỡ do sông Thái Bình bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Qua đó, người dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ kém hiệu quả để áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và an toàn hơn.
Để sản xuất cà rốt an toàn, trong quá trình canh tác, bà con không sử dụng phân tươi để bón hoặc tưới cho cây mà dùng nước sạch. Người dân cũng không lạm dụng phân vô cơ hay thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây, thay vào đó chỉ dùng vôi bột và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để diệt nấm, sâu bệnh. Do được trồng trên chất đất phù sa màu mỡ và kỹ thuật canh tác cao với nguồn nước tưới sạch trong điều kiện tự nhiên thuận lợi nên cà rốt Đức Chính có vị ngọt và hương thơm tự nhiên. Hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất trong sản phẩm cà rốt của Đức Chính cũng cao hơn so với các địa phương khác.
Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, chính quyền địa phương đã làm hệ thống đường bê tông nội đồng để tạo điều kiện cho thương lái đến tận đồng ruộng thu mua; lắp đặt , hệ thống điện giúp bà con tiết kiệm chi phí và yên tâm sản xuất. Ngoài ra, người dân cũng mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc sơ chế và đóng gói cà rốt nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. Ngoài thị trường Trung Quốc và nội địa, cà rốt Đức Chính còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, các nước Trung Đông... với gần 30% sản lượng cà rốt của địa phương.
TRẦN HIỀN