Theo tiếng gọi thiêng liêng từ tiền tuyến lớn, từ 1973, hầu hết thanh niên miền Bắc đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), đều nhiệt tình hưởng ứng lên đường nhập ngũ.
Trường Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng sống động về sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc phục vụ chiến đấu của Đại thắng mùa Xuân 1975
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả tổng hợp của thời cơ cách mạng, sự phát triển có tính chất bước ngoặt về thế và lực của cách mạng Việt Nam, sự hội tụ của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc. Một trong những nhân tố quan trọng quyết định cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là đã động viên được tổng lực sức mạnh của cả nước.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27-1-1973 là kết quả một quá trình vận động lâu dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng là thành quả trực tiếp của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12-1972). Đây là thắng lợi rất to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra cục diện mới của cách mạng, báo hiệu một thời cơ lớn đang tới gần để quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ động đón đầu thời cơ chiến lược này, Đảng ta lãnh đạo toàn dân, toàn quân khẩn trương bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Ngay từ đầu năm 1973, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo toàn dân, toàn quân đẩy nhanh công tác chuẩn bị: xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Nam; hoàn chỉnh hệ thống đường chiến lược, chiến dịch, đường ống dẫn nhiên liệu; động viên tuyển quân, xây dựng khối bộ đội chủ lực cơ động mạnh (chú trọng xây dựng các đơn vị kỹ thuật); tăng cường vận chuyển vật chất, vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự bổ sung, dự trữ, chi viện cho các hướng chiến trường... Theo đó, một cao trào thi đua "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc" diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên khắp mọi miền của đất nước.
Tại hậu phương lớn miền Bắc, tuy vừa phải tập trung sức lực khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh phá hoại rất nặng nề của đế quốc Mỹ, phong trào thi đua "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc, mỗi người làm việc bằng hai" được dấy lên mạnh mẽ trong khắp mọi ngành, giới, mọi tầng lớp nhân dân... Tổng sản phẩm xã hội năm 1974 tăng 1,3 lần tổng sản lượng lương thực tăng 75 vạn tấn, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 1,5 lần, riêng ngành cơ khí tăng hai lần so với năm 1965...
Theo tiếng gọi thiêng liêng từ tiền tuyến lớn, từ 1973, hầu hết thanh niên miền Bắc đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), đều nhiệt tình hưởng ứng lên đường nhập ngũ. Hàng vạn nam, nữ thanh niên tham gia trong lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên khắp các mặt trận.
Trên chiến trường miền Nam, sau khi ngăn chặn, đẩy lùi những hành động lấn chiếm vùng giải phóng của quân đội và chính quyền Sài Gòn, quân ta liên tục đẩy mạnh tiến công, giành những thắng lợi to lớn. Các vùng giải phóng được mở rộng. Tại đây, chính quyền cách mạng nhanh chóng ổn định tình hình; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; vạch rõ âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và bộ mặt thối nát của chính quyền Sài Gòn, chỉ rõ khả năng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đang tới gần; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh giải phóng quê hương đất nước.
Cùng với quá trình chuẩn bị thế và lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích và tự vệ chiến đấu tại các địa phương miền Nam không ngừng tăng lên về số lượng.
Về vũ khí và trang bị kỹ thuật, do nỗ lực cao của toàn dân, nhất là có kế hoạch chuẩn bị dự trữ từ trước, kết hợp nghiên cứu sản xuất bổ sung kịp thời, nên chúng ta hoàn toàn không bị động. Khối lượng vật chất chiến tranh đưa vào chiến trường hằng năm vẫn bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu tác chiến. Bên cạnh đó, chúng ta còn huy động được một khối lượng không nhỏ lương thực, thực phẩm bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho chiến dịch.
Động viên được số lượng nhân lực, khối lượng vật chất rất lớn đủ đáp ứng cho nhu cầu tác chiến ở thời điểm quyết định như vậy chủ yếu là nguồn từ hậu phương miền Bắc và nguồn dự trữ chiến lược từ nhiều năm trước (80% quân số chủ lực, 81% số vũ khí và phương tiện chiến tranh, 65% số thuốc chữa bệnh và 60% xăng dầu do miền Bắc vận chuyển vào). Do vậy, vấn đề phương tiện bảo đảm cho vận chuyển hàng hóa vào chiến trường là rất lớn. Hòa chung vào khí thế thi đua nước rút để chuẩn bị cho ngày toàn thắng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mọi phương tiện vận tải của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều được khẩn trương trưng dụng tối đa cho nhiệm vụ chi viện miền Nam.
Cùng với việc dồn mọi sức lực, mọi khả năng vật chất cho tiền tuyến miền Nam, trên khắp chiến trường, các đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương, thanh niên xung phong và nhân dân các địa phương đã ngày đêm phạt rừng, bạt núi, xây dựng, mở rộng và hoàn chỉnh mạng đường giao thông chiến lược và chiến dịch.
Trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, đến giai đoạn 1973 - 1975, quân số phát triển đến hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ và 10.000 thanh niên xung phong, được tổ chức thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - 559, gồm: Bộ Tham mưu và sáu cục chức năng, tám sư đoàn binh chủng (bốn sư đoàn công binh, hai sư đoàn ô-tô vận tải, một sư đoàn phòng không, một sư đoàn bộ binh) và một đoàn chuyên gia cố vấn; ngoài ra, còn có 21 trung đoàn trực thuộc. Như vậy, Trường Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng sống động và điển hình về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cả về chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng và suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung.
Được Nhà nước và Bộ Quốc phòng tập trung đầu tư, trang bị nhiều máy móc chuyên dùng, bộ đội công binh và lực lượng thanh niên xung phong khẩn trương mở đường, bắc cầu bảo đảm cho kế hoạch tác chiến diễn ra đúng dự kiến.
Đảng và Nhà nước ta đã động viên được sức mạnh tổng lực của cả dân tộc, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng. Đây chính là nghệ thuật tổ chức và động viên tiềm lực của toàn dân tộc để tung ra đòn đánh quyết định, kết thúc chiến tranh ở thời điểm lịch sử của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là thành quả vĩ đại của việc thấm nhuần tư tưởng "lấy dân làm gốc", "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
TTXVN