Ngày 29-11-1951, trên báo Nhân Dân số 34, Bác Hồ viết bài “Cả nhà kháng chiến”, nêu việc bà cụ Nguyễn Thị Vĩnh, quê ở Nam Định, có 6 người con đều đi bộ đội.
Ngày 29-11-1951, trên báo Nhân Dân số 34, với bút danh C.B, Bác Hồ viết bài “Cả nhà kháng chiến”, nêu việc bà cụ Nguyễn Thị Vĩnh, quê ở Nam Định, có 6 người con đều đi bộ đội.
Bài viết “Cả nhà kháng chiến” được mở đầu bằng câu thơ: "Con đi đi. Đi đi con/Đánh Tây, để giữ nước non Lạc Hồng/Bao giờ kháng chiến thành công/Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai". Đây là lời bà cụ Vĩnh dạy 5 người con trai và 1 người con gái phát huy tinh thần gia đình và dân tộc, gia nhập quân đội, góp phần vào kháng chiến kiến quốc.
Bác khẳng định: Tuy nhà nghèo, bà cụ Vĩnh vẫn hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội như con cháu ruột thịt. Bà cụ nói: "Con mình ở bộ đội, đi đến đâu cũng được đồng bào thương yêu giúp đỡ, vậy đối với con cháu đồng bào ở bộ đội, mình cũng phải thương yêu giúp đỡ như con cháu mình". Người biểu dương: “Bà cụ Vĩnh chẳng những là mẹ hiền của 6 chiến sĩ con cụ, mà còn là mẹ chung của các chiến sĩ Việt Nam. Và bà cụ thì xứng đáng là gương mẫu cho các bà mẹ Việt Nam”. Tinh thần hăng hái của bà cụ Vĩnh và nhiều gia đình khác thật đáng khen, đáng quý. Đó là một đặc điểm trong cuộc kháng chiến của ta. Đó cũng là một điểm chứng tỏ kháng chiến Việt Nam nhất định thắng lợi.
Đóng góp cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thần thánh của dân tộc, quân đội anh hùng của ta là con em công nông, xuất thân từ những gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng. Cha hy sinh thì con nối gót, cha mẹ tòng quân, con cũng tòng quân, nhiều chiến sĩ liên tục chiến đấu suốt cả hai cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi vẻ vang. Công việc ở hậu phương đều phó thác cho gia đình đảm nhiệm.
Để biểu dương những gia đình có nhiều cống hiến cho Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều hình thức khen thưởng, giúp đỡ các gia đình có công. Đó là cha mẹ đẻ, ông bà, anh em ruột thịt và người có công nuôi dưỡng quân nhân. Những gia đình đã đồng tình hoặc khuyến khích con em mình tòng quân...
Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với thương binh, liệt sĩ cùng thân nhân của họ. Chính sách thương binh - liệt sĩ đã phát triển thành hai Pháp lệnh: Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Đặc biệt, mới đây là Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
PHƯƠNG DUNG(biên soạn)