Cả người tiêu dùng và nhà sản xuất đều được bảo vệ

01/07/2011 07:58

Khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí...



Người tiêu dùng được bảo vệ khi hàng hóa đều được niêm yết giá, có nhãn mác, xuất xứ...
Ưtheo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng


Hôm nay 1-7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực thi hành. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh trước đây như: đã có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của NTD. Quy định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin, quy định trách nhiệm của các Ban quản lý chợ, UBND cấp huyện, xã về việc giải quyết khiếu nại của NTD trong phạm vi quản lý. Quy định về hợp đồng giao kết với NTD, về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và quy định rõ hơn về trách nhiệm bảo hành. Quy định về trách nhiệm thu hồi hàng hóa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có lỗi, sai, hỏng gây ra, cho phép tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD có quyền khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền lợi NTD. Quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng trọng tài. Quy định về thủ tục rút gọn tại tòa án để giải quyết các vụ việc liên quan đến NTD. Quy định về miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi trong các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD. Quy định về miễn tạm ứng án phí, lệ phí tòa án khi NTD hoặc tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD khởi kiện. Luật quy định việc đưa vào danh sách công khai đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi NTD...

Theo ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh thì, trước khi có Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD đã nêu rõ những quyền cơ bản và có những chế tài nhằm bảo đảm quyền lợi NTD. Tuy nhiên thực tế, các quy định, hướng dẫn, xử lý... vẫn chưa rõ ràng, quyền lợi NTD vẫn bị xâm hại, ý thức bảo vệ NTD của doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều trường hợp doanh nghiệp, nhà sản xuất vì mục tiêu lợi nhuận cố tình vi phạm quyền lợi NTD. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước cũng chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời, triệt để. Ngoài ra, ý thức tự bảo vệ của chính NTD chưa cao. Họ chưa tự trang bị cho mình những kiến thức tiêu dùng cần thiết khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, quyền của NTD vẫn bị xâm hại, luôn phải đối mặt với những thiệt thòi, thiệt hại không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả sức khỏe, thậm chí tính mạng. Tại tỉnh ta, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD được thành lập từ lâu và nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập Chi hội Bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, tiếng nói và vai trò của tổ chức này còn mờ nhạt, chưa thực sự hiệu quả. Việc tiếp nhận và giải quyết các vụ khiếu nại của NTD còn rất hạn chế so với thực tế đang diễn ra hằng ngày.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời sẽ là “tấm lá chắn” giúp bảo vệ NTD một cách hiệu quả hơn, quyền lợi NTD cũng sẽ được quan tâm hơn. Các cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ có công cụ hữu  hiệu để bảo đảm quyền lợi NTD. Để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cần đẩy mạnh các chương trình tuyên tuyền phổ biến luật, phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn thể của tỉnh tổ chức triển khai luật tới đông đảo các hội viên, NTD. Các Chi hội Bảo vệ quyền lợi NTD chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến luật thông qua các buổi tọa đàm, các hội nghị, hội thảo... giúp NTD ý thức được những quyền của mình. Đặc biệt, để giúp bảo vệ quyền lợi NTD hiệu quả hơn, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh sớm thiết lập đường dây nóng giải đáp mọi thắc mắc, khiếu nại của NTD.

Việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thực sự là một dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi có tranh chấp, khiếu nại nào liên quan tới tiêu dùng. Ngoài ra, đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà sản xuất cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường, chiếm lĩnh lòng tin của NTD qua việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng... Để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống, đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm. NTD cũng cần phải hiểu và có ý thức đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình...

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cả người tiêu dùng và nhà sản xuất đều được bảo vệ